Việc chia tách cổ phiếu là cần thiết khi giá cổ phiếu tăng cao. Sau khi chia tách, giá sẽ giảm và nhà đầu tư có nhiều cơ hội để mua vào.
Đối với các cổ phiếu lớn, việc chia tách sẽ khiến các nhà đầu tư rất hào hứng vì hai lý do. Đầu tiên là giá cổ phiếu của công ty sẽ giảm, giúp các nhà đầu tư dễ tiếp cận hơn. Thứ hai là việc chia tách cổ phiếu cho thấy đó là một doanh nghiệp đáng để đầu tư.
Nói một cách rõ hơn, việc chia tách cổ phiếu là cần thiết khi giá cổ phiếu tăng cao. Điều này hiếm khi xảy ra với một doanh nghiệp bình thường.
Cổ phiếu của Microsoft (MSFT) và ServiceNow (NOW) là những ví dụ điển hình trên thị trường chứng khoán Mỹ. Giá cổ phiếu của hai công ty này đã tăng lần lượt 264% và 216% trong 5 năm qua nhờ kết quả kinh doanh tốt.
Mức tăng giá ấn tượng đó khiến Microsoft và ServiceNow trở thành ứng cử viên cho việc chia tách cổ phiếu năm 2024. Và cho dù cổ phiếu có chia tách hay không, hai công ty này đều là những khoản đầu tư đáng giá.
Microsoft và ServiceNow là 2 cổ phiếu đã tăng giá rất mạnh trong 5 năm qua |
Microsoft
Microsoft nổi tiếng với hệ điều hành Windows, phần mềm Office, cơ sở dữ liệu SQL, dịch vụ điện toán đám mây Azure cũng như nội dung trò chơi và phần cứng Xbox.
Mỗi sản phẩm của Microsoft đều có chỗ đứng vững chắc. Nhưng triển vọng tăng trưởng hấp dẫn nhất của công ty nằm ở phần mềm phục vụ các doanh nghiệp và điện toán đám mây.
Microsoft thống trị thị trường phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm SaaS (software-as-a-service) với doanh thu gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh. Thành công đó là nhờ sức mạnh về năng suất, an ninh mạng và các ứng dụng truyền thông (tức bộ Microsoft 365) và các ứng dụng hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (tức bộ Dynamics 365).
Trong nỗ lực tạo ra nguồn doanh thu mới, công ty đã ra mắt Microsoft Copilot, một trợ lý AI đột phá được thiết kế để hỗ trợ người dùng tương tác với công nghệ và nâng cao năng suất làm việc.
Microsoft báo cáo kết quả tài chính tốt hơn mong đợi trong quý 2 năm tài chính 2024 (kết thúc vào ngày 31/12/2023). Doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, lên 62 tỷ USD, nhờ động lực đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Trong tương lai, doanh thu SaaS được dự đoán sẽ tăng trưởng 13,7% hàng năm cho đến năm 2030. Doanh thu điện toán đám mây được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 14,1% hàng năm trong cùng giai đoạn. Các nhà phân tích Phố Wall kỳ vọng doanh thu công ty sẽ tăng 14% hàng năm trong 5 năm tới.
Các nhà đầu tư kiên nhẫn nên cân nhắc việc mua một lượng nhỏ cổ phiếu của Microsoft từ bây giờ, cho dù công ty có chia tách cổ phiếu trong tương lai gần hay không.
ServiceNow
ServiceNow giúp doanh nghiệp số hóa và hợp lý hóa quy trình trên các bộ phận và hệ thống phần mềm khác nhau. Nền tảng của họ bao gồm các ứng dụng giải quyết quy trình công nghệ như quản lý dịch vụ công nghệ thông tin, quản lý dịch vụ khách hàng, dịch vụ nhân sự, phát triển ứng dụng và tự động hóa quy trình làm việc.
ServiceNow được công nhận là công ty dẫn đầu trong quản lý dịch vụ doanh nghiệp, tự động hóa quy trình kỹ thuật số và nền tảng phát triển ứng dụng ít code dành cho các nhà phát triển chuyên nghiệp. Ngoài ra, công ty còn xếp thứ 19 trong danh sách Future 50 vào năm 2023.
ServiceNow báo cáo kết quả tài chính quý 4 vững chắc. Tổng doanh thu tăng 26% lên 2,4 tỷ USD. Trong tương lai, ServiceNow định giá vốn hóa thị trường ở mức 220 tỷ USD. Công ty có vị thế tốt khi xuất hiện trên nhiều thị trường phần mềm và AI sáng tạo.
Phố Wall kỳ vọng doanh số bán hàng của ServiceNow sẽ tăng ở mức 20% mỗi năm trong 5 năm tới. Các nhà đầu tư dài hạn có thể mua một vài cổ phiếu này cho dù công ty có chia tách cổ phiếu trong tương lai hay không.
>> Tín hiệu cảnh báo của Warren Buffett nhấp nháy báo động đỏ, nhà đầu tư đang 'chơi với lửa'?