Khoảnh khắc hiếm có khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chơi piano cho Phu nhân nghe
Chụp hàng trăm bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phu nhân Đặng Bích Hà nhưng Đại tá Trần Hồng vẫn nhớ từng khoảnh khắc bấm máy, đặc biệt trong đó có bức ảnh Đại tướng chơi piano cho Phu nhân nghe.
Đại tá Trần Hồng từng là phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân. Suốt sự nghiệp của mình, ông là người chụp được nhiều nhất, đẹp nhất, thần thái nhất về những hình ảnh đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số nhiều bức ảnh mà công chúng trong nước và quốc tế được biết đến Đại tướng và gia đình thì đa số do Đại tá Trần Hồng bấm máy.
Đại tá Trần Hồng bày tỏ niềm tiếc thương khi hay tin Phu nhân Đặng Bích Hà qua đời. Phu nhân ra đi khi đã gần tới tuổi bách niên, theo Đại tá Trần Hồng như vậy là quá trọn vẹn.
Phu nhân Đặng Bích Hà gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những năm thiếu thời, khi ông sống tại nhà Giáo sư Đặng Thai Mai.
Cuối năm 1946, lễ cưới giản dị giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà được tổ chức. Bà trở thành hậu phương vững chắc, là điểm tựa tinh thần cho Đại tướng trong suốt hàng chục năm binh nghiệp cho đến khi ông về với Bác Hồ và các bậc tiền bối cách mạng (năm 2013).
Đại tá Trần Hồng cho biết, nhiều người khi mới tiếp xúc với Phu nhân không khỏi ngạc nhiên bởi tính cách bộc trực, thẳng thắn. Đại tướng và Phu nhân cùng xuất thân từ mảnh đất miền Trung nên có một sự đồng điệu trong tính cách.
Một lần, Phu nhân đến thăm căn nhà trên phố Đường Thành (Hà Nội), nơi Đại tá Trần Hồng lưu giữ những bức ảnh. "Thấy Phu nhân chăm chú ngắm nhìn khối đá có in chân dung Đại tướng, chợt nghĩ Phu nhân có vẻ thích nên tôi liền ngỏ ý tặng bà", ông Hồng nhớ lại. Phu nhân Đặng Bích Hà liền từ chối ngay và nói thẳng: "Anh nói gì lạ vậy. Cái này quý thế, tôi nỡ nào lấy của anh".
Nhiều người lần đầu tiếp xúc có thể không quen nhưng với những ai quen thân với gia đình Đại tướng thì đều hiểu đó là tính cách khẳng khái của bà.
Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc rất nhiều, đến khi nằm viện trong 1.559 ngày ông vẫn không ngừng tiếp nhận thông tin, tình hình đất nước và quốc tế, tất cả đều nhờ Phu nhân trở thành "thư ký" giúp sắp xếp.
"Một ngày khi tôi đi qua phòng làm việc riêng của Đại tướng thì thấy Phu nhân đang sửa soạn lại tài liệu, bên cạnh là chiếc ghế Đại tướng hay ngồi. Khi còn khỏe hai ông bà thường ngồi với nhau hàn huyên, tâm sự, nay ông dưỡng bệnh thì chỉ còn một mình bà. Lòng không khỏi chút buồn man mác, tôi liền lấy máy ra bấm ngay khoảnh khắc Phu nhân Đặng Bích Hà chuẩn bị giấy tờ, tài liệu cho Đại tướng", Đại tá Trần Hồng kể.
Lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nghỉ hưu, có một nhà báo người Anh phỏng vấn Phu nhân Đặng Bích Hà rằng: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu nghỉ hưu thì 10 năm tiếp theo Đại tướng sẽ làm gì?". Phu nhân mới trả lời rằng: "Tôi chỉ mong ông ấy nghỉ ngơi thôi, vì việc đó tôi chưa thấy bao giờ".
Đại tướng luôn dành cho Phu nhân sự tôn trọng. Khi có khách, Đại tướng bao giờ cũng gọi là "chị Hà", còn bình thường thì dịu dàng gọi "em Hà". Trong khi đó, bà Hà khi có khách thì gọi là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp", còn bình thường bà gọi chồng là "anh Văn".
Năm 2006, Đại tá Trần Hồng tổ chức triển lãm đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp ông 95 tuổi tại Quảng Bình, sự kiện đó có chị Võ Hồng Anh - con gái đầu đại diện gia đình Đại tướng vào tham dự.
Khi trở về Hà Nội, Đại tá Trần Hồng bất ngờ nhận được một tờ lịch nhỏ nhét ở khe cửa, có ghi mấy lời nhắn của Phu nhân Đặng Bích Hà với nội dung: "Anh Trần Hồng ơi, khi nào anh về cơ quan, anh báo cho vợ chồng tôi để đến xem ảnh".
Ông Trần Hồng xúc động khi nhận được tờ giấy, bởi ở vị thế Phu nhân của một Đại tướng lừng danh thì bà có thể yêu cầu nhiều điều nhưng bà lại hết sức khiêm tốn như vậy.
Hơn nữa ông Hồng còn là cấp dưới, bà có thể chỉ cần nhắn mang ảnh qua nhà ngay để ông bà xem, nhưng bà không làm thế vì không muốn làm phiền.
Không để Đại tướng và Phu nhân vất vả, chiều hôm sau, hai người con trai Võ Điện Biên và Võ Hồng Nam đã đến cơ quan của Đại tá Trần Hồng lấy ảnh để đưa tới cho ông bà xem.
Đại tá Trần Hồng nhớ đến một ngày ông coi là "bội thu" trong sự nghiệp cầm máy, đó là một ngày tháng 5/2007, tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Đại tướng và Phu nhân cùng xem những bức ảnh do ông Trần Hồng chụp.
"Đến gần giữa trưa, Đại tướng nhờ tôi kéo một chiếc ghế đến cạnh cây đàn piano để ông chơi. Kéo ghế xong, tôi liền lấy ngay máy ảnh ra bởi đây là khoảnh khắc tôi mong ước từ rất lâu rồi nhưng tôi không dám đề nghị. Đại tướng ít khi có giây phút thư giãn mà lại đánh đàn thì càng hiếm.
Khi ấy, Đại tướng say sưa chơi đàn, Phu nhân đứng bên cạnh chăm chú nghe. Bức ảnh bình dị của Đại tướng chơi piano cho Phu nhân nghe cứ thế ra đời.
Sau này nhiều người xem ảnh hỏi tôi 'Đại tướng chơi đàn có hay không?'. Tôi thú thực lúc chụp ảnh đó tôi không chăm chú nghe gì hết vì chỉ tập trung quan sát 2 khuôn mặt vợ chồng Đại tướng để chụp được góc tốt nhất", Đại tá Trần Hồng xúc động nhớ lại.
"Mùa nào thức ấy, mỗi dịp khi tôi vào chụp ảnh, trò chuyện với Đại tướng thì Phu nhân đều gói cho tôi ít hoa quả mang về. 'Hôm nay có sấu chín, anh mang ít về cho gia đình' - lời Phu nhân chỉ có thế nhưng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp, thân tình", Đại tá Trần Hồng tâm sự.
Đại tá Trần Hồng cũng ghi lại được hình ảnh Đại tướng và Phu nhân tiếp những vị khách quốc tế như: Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, nhiều bạn bè nước ngoài đến tận nhà riêng thăm Đại tướng và Phu nhân…
Mỗi bức ảnh đi kèm với những câu chuyện về Đại tướng và Phu nhân giữa đời thường bình dị và ý nghĩa.
* Ảnh sử dụng trong bài do Đại tá Trần Hồng cung cấp