Trong báo cáo mới ra, BSC Research cho rằng khối ngoại có thể mua ròng trở lại từ thời điểm cuối quý II/2024.
Xét trong 12 tháng gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã bán ròng 11/12 tháng (mua ròng nhẹ duy nhất trong tháng 1/2024) với tổng giá trị bán ròng là 41.330 tỷ đồng.
Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 11.550 tỷ đồng trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM, tương đương 50,62% tổng giá trị bán ròng của cả năm 2023.
Lực bán đến từ cả quỹ chủ động (-5,465 tỷ đồng) và quỹ ETF (-6,085 tỷ đồng), trong đó các quỹ ETF bị NĐTNN rút ròng mạnh vào tháng 3/2024. Áp lực rút ròng từ khối ngoại không chỉ tiếp tục duy trì ở các ETF nội mà đã có hiện tượng rút ròng mạnh từ thời điểm cuối quý I/2024 tại các ETF ngoại như Fubon, FTSE…
Quỹ ETF nội và ETF ngoại liên tục bán ròng |
Theo dữ liệu từ BSC Research, khối ngoại đã liên tục bán ròng trong 5 quý liên tiếp, tuy nhiên xảy ra sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành.
Nhóm Hóa chất và Y tế vẫn được mua ròng trong 11/17 quý gần nhất (từ năm 2020 - quý I/2024). Hóa chất là ngành được NĐTNN mua mạnh nhất trong các giai đoạn thị trường chung biến động. Đặc biệt trong thời điểm quý IV/2021 khối ngoại bán ròng trên 22.000 tỷ đồng nhưng nhóm Hóa chất, Bán lẻ, Tiện ích vẫn được mua ròng.
Ngược lại, Tài nguyên cơ bản và Thực phẩm đồ uống là 2 nhóm bị bán mạnh mẽ nhất trong 17 quý qua.
Tính trong quý I/2024, mặc dù xu hướng chung vẫn là bán ròng, khối ngoại vẫn rót vốn mạnh vào một số ngành như Bảo hiểm, Hóa chất và Ngân hàng.
Tỷ giá USD tăng cao khiến nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng |
Lý giải việc NHNN liên tục bán ra, BSC Research cho rằng tỷ giá USD/VND leo thang khiến nhà đầu tư ngoại cân nhắc rút vốn khỏi Việt Nam để hướng vốn về các nước có lãi suất tốt và tính an toàn, ổn định cao hơn so với các thị trường mới nổi, cận biên.
BSC Research dự báo khối ngoại chưa thể có tín hiệu tích cực ngay tuy nhiên sẽ dần khởi sắc hơn đặc biệt là vào thời điểm cuối quý II - III/2024 dựa trên một số yếu tố:
(1) Fed bắt đầu đảo chiều chính sách, theo cuộc họp FOMC gần nhất Fed dự báo sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm và thị trường đang kỳ vọng rằng Fed có thể hành động vào tháng 6/2024.
(2) Cuối quý II/2024 là cột mốc quan trọng đối với quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam. Thời điểm này sẽ có thêm nhiều thông tin cập nhật, đánh giá về các giải pháp tháo gỡ các nút thắt trong quá trình nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell như: chính thức thông qua các nội dung tháo gỡ vấn đề pre-funding, thực tế vận hành hệ thống KRX. Nếu các giải pháp trên được triển khai đồng bộ và quyết liệt thì khả năng sớm được FTSE Russell chấp thuận nâng hạng vào tháng 9/2024 là tương đối khả thi.
(3) Áp lực tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa khi Ngân hành Nhà nước (NHNN) phát đi tín hiệu sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường nếu cần thiết. Ngoài ra, NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 02 ổn định thị trường tiền tệ và sửa Nghị định 24 nhằm tránh vàng hóa nền kinh tế, qua đó giảm áp lực cho thị trường ngoại tệ.
(4) Một số thương vụ bán vốn ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết từ quý II/2024 trở đi có thể sẽ giảm bớt áp lực về cung cầu ngoại tệ cũng như áp lực bán ròng từ khối ngoại.
>> Nhận định chứng khoán 15-19/4: Các CTCK đồng thuận về xu hướng và vùng điểm số của thị trường