Không chỉ ở Việt Nam, giá vé máy bay cũng đang tăng vọt trên toàn thế giới vì một lý do bất ngờ

19-03-2024 09:23|Hoàng Yến

Giờ mới là giữa tháng 3 nhưng 2024 đã trở thành một năm thảm họa của Boeing. Và theo Bloomberg, thảm họa đó đang lan sang cả các hãng hàng không và hành khách.

Vì dây chuyền sản xuất của nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới bị gián đoạn, tình trạng thiếu hụt máy bay thân hẹp 1 lối đi càng trở nên trầm trọng hơn.

Sau sự cố máy bay bung cửa giữa trời trong chuyến bay hôm 5/1 của Alaska Airlines, Boeing đang phải tập trung vào việc sửa lỗi. Điều đó khiến mọi hãng hàng không, từ United Airlines, Southweast Airlines (những hãng lớn nhất của Mỹ) cho tới Ryanair Holdings (một hãng bay giá rẻ của Ireland) phải chật vật đối mặt với khó khăn vì Boeing chậm giao máy bay mới trong khi mùa cao điểm đang đến gần.

Kết quả là các hãng đang phải cắt giảm nhiều chuyến bay vì họ phải giải 2 “bài toán” cùng một lúc: vừa tìm lựa chọn thay thế cho những chiếc 737 đã đặt hàng Boeing nhưng bị giao chậm, vừa mang những chiếc máy bay thân hẹp của Airbus đi sửa chữa.

Kể cả Boeing cũng không chắc khi nào những chiếc máy bay của họ sẽ sẵn sàng để xuất xưởng vì phải vượt qua một loạt bài kiểm tra an toàn của giới chức Mỹ. Do đó, chính Boeing cũng không thể đảm bảo khi nào mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường.

>> Sau sự cố máy bay bung cửa giữa trời, Boeing có thể hoãn giao Max 10 cho Delta Airlines đến tận năm 2027

Là đối thủ cạnh tranh chính của Boeing, Airbus đã “full” đơn hàng cho tới cuối thập kỷ này, vì thế các hãng hàng không đang rất thiếu máy bay. Giống như Boeing, nhà sản xuất đến từ châu Âu hiện đang đau đầu tìm cách đưa sản lượng quay về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, gần đây hàng trăm máy bay Airbus đã bị cấm bay vì lỗi động cơ.

Không chỉ ở Việt Nam, giá vé máy bay cũng đang tăng vọt trên toàn thế giới vì lý do này
Số lượng máy bay thân hẹp của các hãng hàng không trên thế giới

Cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài vài năm?

Theo chuyên gia hàng không Steven Townend, vấn đề mà ngành hàng không toàn cầu đang gặp phải đã phát sinh từ nhiều năm và đến năm nay mới bộc lộ rõ. Do đó, cũng cần phải mất vài năm nữa nguồn cung máy bay mới có thể ổn định trở lại.

Đối với hành khách, điều này đồng nghĩa các lựa chọn sẽ ngày càng ít đi và giá vé trên các chặng hút khách nhất sẽ tăng lên. Tình trạng thiếu máy bay chủ yếu ảnh hưởng đến các dòng thân hẹp như Boeing 737 và Airbus A320, vốn được sử dụng để phục vụ các chặng ngắn đến vừa và cũng chiếm tỷ trọng lớn trong đội bay toàn cầu. Do đó, những chặng nội địa và khu vực sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn so với các chặng dài hơn.

Theo dự báo của Amex Global Business Travel, giá vé hạng thương gia chặng New York - Los Angeles có thể tăng 8,5% vì cầu vượt quá cung. Đối với cả 2 hạng thương gia và phổ thông trên chặng Seattle – San Francisco, giá có thể tăng 18% trong nửa đầu năm nay, chặng Chicago – Las Vegas cũng có thể tăng gần 10%.

Thực chất thì giá vé máy bay ở Mỹ đã tăng vọt trong cả năm 2022 và đầu năm 2023, khi lượng khách bay tăng đột biến hậu Covid-19. Tuy nhiên, từ giữa đến cuối năm ngoái, giá lại giảm vì lực cầu suy yếu. Viễn cảnh cho những tháng còn lại của năm 2024 là ít chuyến bay hơn và xác suất máy bay kín chỗ sẽ tăng mạnh, đồng nghĩa giá vé sẽ tăng.

>> Máy bay 'Made in China' tìm đường xuất ngoại, đặt hy vọng vào thị trường Đông Nam Á: Liệu có thể chấm dứt kỷ nguyên của Boeing và Airbus?

Nghịch lý giá vé máy bay, giá điện càng tăng, doanh nghiệp càng lỗ?

Giá vé máy bay đồng loạt tăng, đại lý bán vé nói gì?

Infographics: Biểu giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3/2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khong-chi-o-viet-nam-gia-ve-may-bay-cung-dang-tang-vot-tren-toan-the-gioi-vi-ly-do-nay-226841.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Không chỉ ở Việt Nam, giá vé máy bay cũng đang tăng vọt trên toàn thế giới vì một lý do bất ngờ
POWERED BY ONECMS & INTECH