Trong bối cảnh áp lực về tỷ giá, Việt Nam cần sớm đưa lãi suất thấp đến với doanh nghiệp. Nếu tiền vẫn trong hệ thống ngân hàng, sẽ dẫn đến khả năng về đầu cơ tỷ giá hoặc các hoạt động khác nhiều hơn.
Trong thời điểm này, tỷ giá tiếp tục nhận được sự quan tâm của thị trường, đặc biệt từ ở góc độ của các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu. Có hai vấn đề cần theo dõi đó là rủi ro về tỷ giá và liệu Mỹ có tiếp tục tăng lãi suất nữa hay không. Thêm một vấn đề nữa là các doanh nghiệp niêm yết tới đây sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 ra sao.
Vừa qua, ngay khi tỷ giá chạm mức 24.000 VND/USD thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tác động điều chỉnh gia hạn các hợp đồng đến hạn để không gây áp lực cho tỷ giá và ngay lập tức tỷ giá có sự điều chỉnh đi xuống. Như vậy góp phần làm giảm rủi ro thị trường cho các nhà đầu tư xuống rất nhiều.
Chúng ta đều biết, nếu tỷ giá tăng nhanh và quá cao sẽ ảnh hưởng đến luồng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, họ phải cân đối với việc có nên giữ cổ phiếu với tốc độ tăng trưởng hay bán cổ phiếu đi và mua USD để chuyển về nước.
Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta đang điều tiết thị trường ngoại hối không theo mức trần - sàn, mà điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm, cơ chế này dựa trên ba trụ cột: Thứ nhất, là NHNN sẽ xem xét kỹ diễn biến các giao dịch của thị trường liên ngân hàng; Thứ hai, là diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền lớn bao gồm USD, EUR, CNY, JPY, SGD, KGW, TWB, THB; và Thứ ba, là các cân đối vĩ mô gồm lạm phát và tăng trưởng GDP.
Vậy xét về cơ cấu xuất nhập khẩu của 8 nước trong rổ tiền tệ sẽ khiến chúng ta phải đứng giữa “ngã ba chính sách”, là khi Việt Nam giữ chính sách tiền tệ nới lỏng so với Mỹ, trong khi quốc gia này tiếp tục tăng lãi suất, còn Trung Quốc cũng có xu hướng giảm lãi suất.
Dù nhìn ở góc độ nào thì đều thấy Việt Nam đang ngả về phía các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc trong việc thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ. Việc Việt Nam nới lỏng một phần vì chúng ta có nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 41,44% tính đến tháng 12/2022.
Về phía Mỹ, ngày mùng 26/7 tới sẽ có cuộc họp của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) công bố về chính sách lãi suất tiếp theo. Trên 90% thị trường dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Như vậy lộ trình tăng lãi suất sẽ kéo dài và thị trường cũng cho rằng từ giờ đến cuối năm Mỹ sẽ không giảm lãi suất.
Điều đó cho thấy, áp lực về tỷ giá của Việt Nam đang rất lớn. Đầu tiên là việc chênh lệch lãi suất ở trên thị trường giữa các ngân hàng và vấn đề sau đó là Trung Quốc - đối tác của chúng ta đồng thời cạnh tranh với thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Về phía Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ đang hướng tới mức thấp nhất trong vòng 15 năm, nghĩa là quốc gia này tích cực hạ lãi suất và giảm giá Nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu. Trong khi Việt Nam cũng cạnh tranh việc xuất khẩu mà tỷ giá đô - đồng neo ở mức cao sẽ là vấn đề.
Khi luận điểm này được đưa ra, chúng ta cần phải xem sự đồng hành và mối tương quan giữa các nước Châu Á so với đồng Nhân dân tệ như thế nào. Theo đó, sự tương quan các đồng tiền với Nhân dân tệ rất cao, riêng Việt Nam trong năm nay có chính sách hoàn toàn độc lập, khiến sự tương quan giữa VND và CNY ở mức rất thấp tính đến ngày 1/1/2023.
Giả sử cả Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc cùng xuất khẩu, mà CNY yếu đi thì THB cũng yếu đi, chỉ còn VND mạnh hơn sẽ không tốt cho xuất khẩu nói chung. Do đó tôi vẫn muốn chia sẻ một điều là tỷ giá sẽ còn là chủ đề cần được quan tâm trong thời gian sắp tới, khi lãi suất Mỹ tiếp tục tăng và nếu 3 tháng tới chúng ta vẫn giữ được tỷ giá, thì cần phải xem kỹ cán cân xuất nhập khẩu. Các đối thủ của Việt Nam trong việc xuất khẩu, gồm các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có đồng tiền yếu đi khá mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng tới chúng ta.
Đặc biệt, khả năng tăng lãi suất của Việt Nam thời gian tới là không có, thậm chí có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Chúng ta chọn hướng đi theo việc tập trung vào tăng trưởng mà muốn tăng trưởng thì phải hạ lãi suất.
Thực tế, khi Fed tăng lãi suất mà Việt Nam giảm lãi suất thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu. Nhất là những doanh nghiệp có khoản vay USD cao sẽ là vấn đề, nếu là nhà đầu tư cổ phiếu thì nên chú ý xem kỹ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ vay nước ngoài.
Mặc dù năm nay tỷ giá là một rủi ro, nhưng mọi người chấp nhận tỷ giá tăng bởi Việt Nam còn dư địa khá lớn ở phía lạm phát và NHNN vẫn cho phép một biên độ để không phải can thiệp.
Với góc nhìn chung, thời điểm này chúng ta có những nét giống và những nét khác với thời điểm đầu năm 2021 khi lãi suất liên ngân hàng quanh mốc 1%. Cụ thể đặc điểm chung là chính sách tiền tệ đang dẫn đến việc rất nới lỏng nhưng thời điểm đó các mục tiêu của Việt Nam hoàn toàn khác và tín dụng khi đó rất dễ dàng được hấp thụ. Còn năm nay, với các chính sách và thị trường hiện tại, các ngân hàng đang bị thừa một lượng vốn khá lớn và tốc độ tăng trưởng tín dụng khá thấp.
Cho nên đường ra tốt nhất lúc này và để thị trường vận hành một cách thông suốt là chúng ta phải đưa được lãi suất thấp đến doanh nghiệp. Nếu không nó vẫn tồn tại trong hệ thống ngân hàng, sẽ dẫn đến khả năng về đầu cơ tỷ giá hoặc các hoạt động khác nhiều hơn. Có thể nói sau 2 năm, cùng là lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp nhưng hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau.
Giá vàng nhẫn giảm mạnh, có nên mua vào lúc này?
Điều 'chưa từng có tiền lệ' trong chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng