Vĩ mô

Không để đường sắt “mắc kẹt”

Hải Ngân 02/08/2023 - 08:07

Với thế mạnh có thể chở được nhiều hàng hoá cùng lúc, việc đầu tư nhiều tuyến đường sắt mới sẽ đóng vai trò “chia lửa”, “cõng” hàng hoá và giảm áp lực cho kết cấu hạ tầng đường bộ.

 Hiện nay, hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt ở khu vực Hải Phòng chủ yếu là nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phân bón, nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất hàng liên vận quốc tế

Thực tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại các địa phương Hải Phòng, Hải Dương là rất lớn. Tuy nhiên, những năm qua hoạt động vận tải phụ thuộc chủ yếu giao thông đường bộ nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hoá, ách tắc và tai nạn giao thông. Trong khi đó, hoạt động vận tải đường sắt có thể vận chuyển khối lượng vận chuyển lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, an toàn nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả.

“Hời hợt” với đường sắt

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, TP Hải Phòng có 5 loại hình giao thông. Tuy nhiên, sản lượng hàng hoá thông qua cảng Hải Phòng bằng đường sắt chỉ chiếm khoảng 1%. Trong khi đó đường bộ chiếm trên 80%, đường thuỷ nội địa chiếm từ 15-17%. Tại Hải Phòng, hệ thống đường sắt hiện chưa kết nối vào các khu vực chính mới đầu tư xây dựng như cảng Đình Vũ và cảng cửa ngõ Quốc tế Lạch Huyện.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Hải Phòng cho biết: “Thực tế hiện nay, việc vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt chủ yếu là đi những chặng đường dài như Hải Phòng - Lào Cai; còn đối với những chặng đường ngắn như Hải Phòng – Hải Dương, Hải Phòng – Hà Nội, Hải Phòng – Việt Trì thì hầu như không có bởi tốn kém chi phí. Hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt ở khu vực Hải Phòng chủ yếu là nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phân bón, nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất hàng liên vận quốc tế. Các mặt hàng này có lợi thế là xuất thẳng từ bãi, nhà máy đến toa xe mà không phải thông qua phương tiện trung chuyển”.

Tương tự TP Hải Phòng, Hải Dương hiện có 3 tuyến đường sắt đi qua gồm tuyến Gia Lâm - Hải Phòng, trong đó có 4 ga Cao Xá, Tiền Trung, Lai Khê, Phạm Xá phục vụ vận tải hàng hoá. Ngoài ra trên địa bàn còn có tuyến Kép - Hạ Long, Chí Linh - Phả Lại là tuyến đường sắt chuyên dùng, chủ yếu phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho nhà máy tại Quảng Ninh. Tuy vậy, các ga tại đây hiện vẫn thiếu máy móc và mặt bằng không đủ tiêu chuẩn bốc xếp hàng hóa có trọng lượng lớn hay container.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Hải Dương là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường sắt hàng đầu trong cả nước. Năm 2022, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt trên địa bàn Hải Dương là 5.056 tấn, 5 tháng đầu năm 2023 là 2.608 tấn. Tuy nhiên, hiện hàng hóa tại Hải Dương chưa xuất - nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt. Các ga trên địa bàn chưa có bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container.

Kỳ vọng những tuyến đường mới

Để giảm bớt gánh nặng cho đường bộ, mới đây theo quy hoạch TP Hải Phòng năm 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong bản dự thảo lấy ý kiến cộng đồng, Hải Phòng dự kiến xây mới 4 tuyến đường sắt quốc gia; 4 tuyến đường sắt đô thị, trong đó có tuyến đi trên cao kết hợp đi ngầm qua khu vực Cảng hàng không Cát Bi.

Cụ thể, về đường sắt quốc gia, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 4 tuyến đường sắt liên quan đến khu vực TP Hải Phòng gồm: Xây mới tuyến đường sắt mới đường đôi, khổ 1.435mm Hà Nội - Hải Phòng, chạy dọc tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến ga Nam Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn, Lạch Huyện. Xây mới đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh là tuyến song song với đường bộ ven biển. Nghiên cứu xây mới tuyến đường sắt nối đường sắt Yên Viên - Hạ Long đi cảng Lạch Huyện là tuyến phục vụ vận tải hàng hóa khi có nhu cầu. Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu trong tương lai khi hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao/mới Hà Nội-Hải Phòng, nghiên cứu chuyển đổi tuyến hiện có thành đường sắt nội đô, kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác tại khu vực ga trung chuyển Hải Phòng. Đường sắt ven biển Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh, từng bước xây dựng các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng phù hợp nhu cầu từng giai đoạn, dự kiến thực hiện năm 2050.

Còn tại Hải Dương, mới đây, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để sớm đạt mục tiêu đưa Hải Dương trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hậu cần sau cảng, tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ GTVT, Tổng công ty đường sắt Việt Nam sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và triển khai Ga liên vận quốc tế tại Cẩm Giàng để đưa hàng hoá tiếp cận sâu vào lục địa Trung Quốc thông qua tỉnh Vân Nam. Theo đó, có thể nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt 2 tầng tại một số cung đường, di dời một số ga ra khỏi nội đô, gắn với các cảng biển như Cảng Đình Vũ... để thuận tiện cho lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu từ cảng vào các tỉnh trong Vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Trước đó, tỉnh Hải Dương cũng đã có buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về nghiên cứu, triển khai hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Cao Xá, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hóa.

Metro số 1 chạy thử gần 2.000 chuyến trước khi đón khách vào 22/12

Trung Quốc hỗ trợ nước cạnh Việt Nam làm đường sắt cao tốc hơn 1.000km gồm 167 cầu, 75 đường hầm, chỉ 5 năm là hoàn thành

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/khong-de-duong-sat-mac-ket-248221.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Không để đường sắt “mắc kẹt”
    POWERED BY ONECMS & INTECH