Không mập mờ để xe hợp đồng trốn thuế
Xe hợp đồng trá hình không phát hành vé, không vào bến nên tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Để quản lý loại hình vận tải này, Nhà nước cần siết chặt các quy định pháp luật, đồng thời ứng dụng công nghệ trong quản lý.
Nguy cơ ở khắp nơi
Trong những năm qua, hoạt động vận tải đường bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe, tăng gấp 7,5 lần.
Theo các chuyên gia, với số lượng xe hợp đồng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách, loại hình vận tải này đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.
Trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của xe hợp đồng, nhiều ý kiến cho rằng do không phát hành vé, không vào bến nên xe hợp đồng đang có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và không bình đẳng với xe tuyến cố định.
Về kết quả thanh kiểm tra với DN kinh doanh vận tải năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện kiểm tra 19 DN, phát hiện nhiều vi phạm, phạt và truy thu trên 4 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, đã kiểm tra 5 DN vận tải, truy thu hơn 500 triệu đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thu Mai cho biết, ngành thuế quản lý theo phương pháp người nộp thuế tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự giác tìm hiểu các quy định pháp luật về thuế.
“DN xác định doanh thu sẽ kê khai, nộp theo mức thuế mà nhà nước điều tiết. Với việc không xuất vé, không vào bến, trên cơ sở giá trị hợp đồng, sau khi sử dụng dịch vụ sẽ xuất hoá đơn và kê khai thuế theo đó. Nguy cơ trốn thuế xảy ra khắp nơi, chỗ nào chưa quản lý chặt thì đều phát sinh. Đặc biệt với các DN hoặc người kinh doanh có xu hướng tránh thuế để tăng lợi nhuận” - bà Lê Thu Mai cho biết.
Cơ quan thuế trong quá trình quản lý cố gắng tìm mọi cách thu đủ, thu đúng và kịp thời. Với DN vận tải, đơn vị quản lý bằng cách xác định đối tượng, số lượng đối tượng được cấp phép và các loại hình dịch vụ. Tuy nhiên nhiều đơn vị, cá nhân thiếu ý thức, chưa tự giác trong việc hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Quản nhưng không cấm
Để tránh việc mất khả năng kiểm soát và thất thu thuế, bà Lê Thu Mai cho rằng phải xác định đối tượng xe hợp đồng có cơ hội tránh kê khai doanh thu như với xe gia đình (không cần hoá đơn). Trường hợp này, cơ quan thuế xác định hiện nay các loại xe thực hiện dịch vụ vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, xác định số km và giám sát điểm đầu, điểm cuối của xe.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, để có thể quản lý các hình thức vận tải hợp đồng trá hình, cơ quan quản lý Nhà nước nên có nghiên cứu, định danh cho hình thức kinh doanh này để đưa vào khuôn khổ pháp lý, trên tinh thần quản chứ không cấm.
“Chúng tôi rất cần các thông tin trên để quản lý quãng đường xe chạy, từ đó “đấu tranh” để có thể xác định đúng nghĩa vụ thuế của DN. Việc số hoá các hoạt động tại DN giúp các bên dễ dàng thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế” - bà Lê Thu Mai cho hay.
Với những DN chạy xe không hợp đồng, không xuất hoá đơn là vi phạm quy định ngành giao thông vận tải và quy định về luật quản lý thuế. Nếu bị phát hiện sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của luật thuế.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông được thông qua, các quy định sẽ tiếp tục được thay đổi và điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn. Điều này sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các loại hình kinh doanh vận tải, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý trong quá trình kiểm tra vi phạm.
Trong quá trình xây dựng các văn bản, quy định, quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam đều hướng tới tăng cường quản lý chứ không cấm; luôn khuyến khích xe hợp đồng vận chuyển học sinh, công nhân, đám cưới… phát triển và kinh doanh đúng quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho người dân.
“Cùng với đó, khi những văn bản có hiệu lực, cơ quan quản lý Nhà nước cũng khuyến khích các DN, cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, xử lý xe không tuân thủ quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ thêm.
>> Đề xuất lập 'bến ảo' trong nội đô cho xe hợp đồng đón, trả khách