Vĩ mô

Siết quản lý và sửa Nghị định 10, xe hợp đồng trá hình còn dám bát nháo?

N Huyền 05/11/2023 - 07:28

Xe hợp đồng sẽ không được đón, trả khách 3 ngày liên tiếp tại một địa điểm cố định. Trường hợp xe chở khách bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì sau 30 ngày mới được cấp lại…

Đây là những điểm mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được Bộ GTVT lấy ý kiến.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) xung quanh những bất cập đối với loại hình xe hợp đồng trá hình, xe ghép đang hoạt động bát nháo hiện nay. Hiện, Bộ GTVT đề xuất sửa một loạt quy định tại Nghị định 10 nhằm siết loại hình kinh doanh vận tải này.

Vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra hé lộ thực trạng xe hợp đồng trá hình, xe ghép, xe limousine diễn ra phổ biến trên khắp cả nước. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, theo ông nguyên nhân do đâu khiến loại hình vận tải này ngày càng phát triển?.

Tình trạng xe dù, bến cóc xe hợp đồng trá hình tuyến cố định nở rộ do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên chính sau:

Thứ nhất, Luật Giao thông đường bộ ra đời năm 2008, đến nay đã 14 năm thi hành. Trong thực tế, hoạt động vận tải đã có nhiều chuyển biến theo sự biến động của thị trường và xã hội nhưng các quy định pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ (phần mềm quản lý xe hợp đồng, lệnh vận chuyển điện tử..) hiện mới đang thực hiện xây dựng và hình thành các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý.

Thứ ba, số lượng bến xe tại các đô thị lớn ít và ngày càng bị đẩy ra xa khu vực trung tâm trong khi hoạt động vận tải công cộng kết nối với khu vực nội đô chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ đó, tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định ngày càng bùng phát mạnh…

Xe Sao Viet .jpg
Lực lượng thanh tra giao thông trong một lần kiểm tra nhà xe Sao Việt (Ảnh: V. Huế)

Để xảy ra tình trạng này, xin ông cho biết trách nhiệm thuộc về đơn vị nào? Đối với Bộ GTVT, cụ thể ở đây là Cục Đường bộ Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông đường bộ có trách nhiệm gì khi để xảy ra tình trạng này không?

Thực tế, thanh tra Sở Giao thông vận tải trong chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quy định đã thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách.

Tuy nhiên, các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện này do không đủ lực lượng để thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động.

Trong khi đó, địa bàn quản lý rộng; thẩm quyền của thanh tra sở giao thông vận tải hạn chế.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì lực lượng thanh tra giao thông không có quyền dừng các phương tiện di chuyển trên đường.

Điều này gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã lợi dụng kẽ hở để lách luật. Công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Nghị định 10/2020/NĐ- CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan quy định: Toàn bộ công tác cấp phép kinh doanh vận tải, cấp đổi phù hiệu biển hiệu, thu hồi phù hiệu, biển hiệu thông qua thiết bị giám sát hành trình; thanh tra kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đều đã được phân cấp cho sở GTVT các tỉnh, thành phố.

Chỉ cấp lại phù hiệu sau 30 ngày bị thu hồi

Tại cuộc họp tổng kết công tác an toàn giao thông trong 9 tháng đầu năm diễn ra ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận: “Những bất cập vừa qua liên quan rất nhiều tới thể chế”. Cục đã nhận diện được những bất cập này là gì không, thưa ông ?

Hiện nay, Nghị định 10/2020 quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại. Dẫn đến đơn vị kinh doanh vận tải hôm nay bị thu hồi ngày mai có thể xin cấp lại được ngay. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp về cơ quan cấp theo đúng quyết định thu hồi; chưa có chế tài để bắt buộc các đơn vị vi phạm phải chấp hành đúng theo quyết định thu hồi.

luong duyen thong.jpeg
Ông Lương Duyên Thống (Ảnh: N.Huyền)

Là cơ quan được giao chủ trì sửa đổi Nghị định 10, Cục sẽ tập trung vào những nội dung nào để siết lại loại hình kinh doanh vận tải, trong đó có xe hợp đồng trá hình, xe ghép, xe limousine?

Đối với các quy định liên quan đến xe hợp đồng, xe du lịch, Cục đang đề xuất sửa đổi nhiều nội dung.

Cụ thể, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác.

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách kèm theo đến sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Nghị định 10 cũng bổ sung quy định đối với các trường hợp bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì sau 30 ngày mới được cấp lại. Khi đó xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ phương tiện.

Đây cũng là cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý lái xe và phương tiện.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất bổ sung quy định Sở GTVT chưa giải quyết các thủ tục hành chính đối với đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Việc này chỉ được giải quyết sau khi chấp hành xong quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì mới đảm bảo tính răn đe.

Theo đó, sau 10 ngày bị ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu và giấy phép kinh doanh cho cơ quan cấp và dừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải.

Quá thời hạn trên đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, sở GTVT tiếp tục đăng tải quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu trên trang thông tin điện tử của sở.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đăng tải, đơn vị kinh doanh vận tải vẫn không nộp hoặc nộp nhưng không đủ, sở GTVT sẽ cập nhật vào hệ thống đăng kiểm để từ chối kiểm định và kiến nghị xử phạt hành chính.

Đồng thời, không cấp lại giấy phép kinh doanh trong thời gian 45 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Xin cảm ơn ông !

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/siet-quan-ly-va-sua-nghi-dinh-10-xe-hop-dong-tra-hinh-con-dam-bat-nhao-2210950.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siết quản lý và sửa Nghị định 10, xe hợp đồng trá hình còn dám bát nháo?
    POWERED BY ONECMS & INTECH