Khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam có thể trở thành trung tâm hành chính, thương mại có quảng trường, công viên
Nếu được hình thành, đây sẽ là đô thị kiểu mẫu theo xu hướng Net Zero tại Việt Nam.
Tại cuộc thi thiết kế ý tưởng chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, phương án "Biên Hòa Đông Phố" của liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn quốc tế Encity và PT Studio Rancang Urban Selaras đã xuất sắc giành giải Nhất.
Theo phương án đoạt giải, "Biên Hòa Đông Phố" được định hướng phát triển thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ theo mô hình đô thị Net Zero, gắn liền với hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Đây sẽ là khu đô thị kiểu mẫu, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đô thị và cảnh quan tự nhiên, với hệ thống không gian xanh liên hoàn, kết nối các quảng trường, công viên đến sông Đồng Nai.

Ý tưởng quy hoạch nhấn mạnh giao thông đa phương thức, với mạng lưới đường đi bộ, xe đạp được tích hợp chặt chẽ với giao thông công cộng liên vùng, cùng hệ thống hạ tầng xanh thúc đẩy đa dạng sinh học và hướng đến phát triển bền vững.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, từ những ý tưởng được trao giải, Sở Xây dựng sẽ chủ trì hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết theo hướng kinh tế, khả thi, để sớm đưa vào triển khai trong thời gian tới.
>> Chính thức khởi công dự án nhà kho chất lượng cao tại tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam, được thành lập từ năm 1963, với quy mô khoảng 330ha. Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa khu công nghiệp này ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam.

Theo định hướng của UBND tỉnh Đồng Nai, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi thành khu đô thị thương mại - dịch vụ hiện đại trên diện tích 324ha. Các ý tưởng thiết kế đoạt giải sẽ là cơ sở lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho khu trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, đồng thời phục vụ việc đề xuất chủ trương đầu tư và thi tuyển phương án kiến trúc trung tâm hành chính mới.
Việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mà còn được kỳ vọng thay đổi diện mạo kiến trúc TP. Biên Hòa, đưa địa phương này tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
Hiện nay, trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 vẫn còn khoảng 70 doanh nghiệp trong nước và 6 công ty FDI đang thuê đất và vận hành sản xuất. Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của tỉnh trong giai đoạn mới.
>> Tỉnh giàu có của Việt Nam sắp đón khu công nghiệp mới 1.000ha
Miền Tây Nam Bộ sắp hình thành khu công nghiệp hơn 1.200 tỷ đồng với vị trí đắc địa
Thành phố lớn thứ tư Việt Nam ‘mở cửa’ đón công ty khu công nghiệp 300 tỷ đồng của Taseco Land