Xã hội

Khu rừng bảo tồn loại gỗ quý hiếm bậc nhất Việt Nam, phải xây bức tường gần 30 tỷ đồng để bảo vệ

Vĩ Hạ 16/07/2024 08:32

Nơi đây được đánh giá là khu rừng có số lượng cá thể gỗ quý lớn nhất và quý hiếm nhất Việt Nam.

Cách trung tâm huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) 5km về hướng Bắc, ẩn mình sau những dãy núi hùng vĩ, rừng đặc dụng Đăk Uy hiện lên như một khu vườn bí ẩn còn sót lại từ thuở hồng hoang.

Rừng đặc dụng Đăk Uy đang bảo vệ nhiều loại cây quý hiếm. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Rừng đặc dụng Đăk Uy đang bảo vệ nhiều loại cây quý hiếm. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Rừng rộng 538ha, được ví như kho tàng quý giá của thiên nhiên. Đây là nơi lưu giữ hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao, thuộc loại quý hiếm và nghiêm cấm khai thác. Khu rừng là nơi sinh sống nhiều loài thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như trắc, cẩm lai, giáng hương...; hệ động vật với sự hiện diện của cu li nhỏ, gà lôi, gấu chó...

Nổi bật nhất ở rừng đặc dụng Đăk Uy là "kho báu" trắc quý hiếm. Nơi đây được đánh giá là khu rừng có số lượng cá thể trắc lớn nhất và quý hiếm nhất Việt Nam với hơn 1.000 cây trắc tự nhiên hàng chục năm tuổi và 2.500 cây trắc được trồng mới.

Quần thể gỗ trắc quý hiếm, có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Báo Người Lao Động

Quần thể gỗ trắc quý hiếm, có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Báo Người Lao Động

Gỗ trắc là loài gỗ quý hiếm, thuộc nhóm IIA. Đây là loài gỗ có chất lượng cao, vân đẹp, thớ mịn nên rất giá trị, luôn khan hiếm. Trên thị trường, gỗ trắc thường có giá bán tính theo kg, từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng/1kg.

Vì thế, cánh rừng đặc dụng Đăk Uy có hàng ngàn cây gỗ trắc lớn, nằm ngay trung tâm huyện Đăk Hà, sát khu dân cư lại càng dễ trở thành miếng mồi ngon của lâm tặc.

Những gốc gỗ trắc được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Báo Thanh Niên

Những gốc gỗ trắc được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Báo Thanh Niên

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của trắc, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã tăng cường công tác bảo vệ, tuần tra, kiểm soát thường xuyên. Không chỉ bảo vệ những cây trắc còn sống, lực lượng bảo vệ rừng còn phải bảo vệ cả những cây trắc đã chết khô, ngã đổ.

Ban quản lý đã đầu tư xây dựng nhà quản lý, trạm, lán, chốt, hàng rào bảo vệ và 16km đường băng cản lửa. Không chỉ vậy, đơn vị này còn tiến hành xây dựng bức tường dài 5km trị giá khoảng 27,5 tỷ đồng với nhiều hạng mục, trong đó có hạng mục chính là hàng rào gạch có quấn thép gai ở trên nhằm bảo vệ rừng gỗ trắc quý hiếm.

Những căn nhà tạm của người giữ rừng đặc dụng Đăk Uy. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Những căn nhà tạm của người giữ rừng đặc dụng Đăk Uy. Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại

Để làm giàu rừng, từ năm 1994-1996, 43ha cây trắc, cẩm lai, hương, muồng, gõ đỏ và giổi được trồng mới. Bên cạnh đó, 20ha vườn thực vật được xây dựng, các bảng tên khoa học được gắn trên từng loài cây gỗ, giúp du khách dễ dàng nhận diện và tìm hiểu về hệ sinh thái nơi đây.

Hiện nay, du khách yêu môi trường sinh thái rừng, có thể đi vòng quanh trên lối mòn đường rừng giữa rừng cây cao vút đan kín tán lá xanh, thật yên tĩnh và an lành. Rừng vắng bóng thú dữ, chỉ có những khe nước nhỏ chảy qua, róc rách nhẹ nhàng, có khi là bóng dáng một con sóc, chồn hoặc thỏ, thoáng thấy dáng người, đứng nhìn ngơ ngác rồi vụt biến mất. Bạn có thể ở lại trong rừng từ sáng đến chiều với nước uống và thức ăn nguội mang theo.

>> Bảy bố con lên núi ươm trồng loại gỗ có mùi thơm, gần 30 năm sau để lại 'kho báu' bạt ngàn hàng trăm tỷ đồng

Loại gỗ quý hiếm cứng nhất nhì thế giới được ví như ‘mộc vương’: Mọc ở độ cao 700m, cứng gấp đôi thép, đạn bắn khó thủng

Loại gỗ quý hiếm có giá trị cao gấp 8.000 lần gỗ thường được dùng trong Tử Cấm Thành, 1.300 năm tuổi vẫn xanh tốt

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/khu-rung-bao-ton-loai-go-quy-hiem-bac-nhat-viet-nam-phai-xay-buc-tuong-gan-30-ty-dong-de-bao-ve-d127724.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khu rừng bảo tồn loại gỗ quý hiếm bậc nhất Việt Nam, phải xây bức tường gần 30 tỷ đồng để bảo vệ
    POWERED BY ONECMS & INTECH