Khủng hoảng dồn dập tạo nên ‘bất ngờ tháng 10’ cho hai ứng viên tổng thống Mỹ
Trận bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng, xung đột mở rộng ở Trung Đông và cuộc biểu tình của các công nhân bến tàu đe dọa nền kinh tế Mỹ. Đó là những vấn đề lớn có thể quyết định tâm trạng của cử tri Mỹ khi họ cân nhắc bỏ phiếu cho bà Kamala Harris của đảng Dân chủ hay ông Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP) |
Những sự kiện đó sẽ diễn biến như thế nào tiếp theo và thái độ của các ứng viên có thể quyết định lá phiếu của cử tri ở các bang chiến trường trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng sau.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vẫn là người quản lý nền kinh tế và chính sách đối ngoại của Mỹ trong giai đoạn biến động này, nhưng cách bà Harris và ông Trump tiếp cận 3 vấn đề có thể sẽ tác động đáng kể đến cách người Mỹ quyết định lựa chọn của họ.
Bà Harris, với sự hỗ trợ của Tổng thống Biden, đang cố gắng thể hiện sự bình tĩnh và vững vàng khi một loạt vấn đề khó khăn phát sinh cùng lúc.
Ngày 1/10, bà Harris và ông Biden vừa phải chỉ đạo công tác phục hồi và ứng phó cứu hộ sau bão Helene vừa phải họp với các trợ lý trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng để bàn bạc và theo dõi việc hỗ trợ Israel đối phó với hàng trăm tên lửa bắn từ Iran.
Cùng lúc đó, họ tiếp tục trao đổi với đội cố vấn kinh tế khi các công nhân bến tàu xuống đường tuần hành, trong cuộc đình công trải dài từ cảng ở Maine đến Texas, đe dọa làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng, gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa và đẩy giá tăng.
Trong khi đó, ông Trump chỉ trích bà Harris như thể bà không thể đương đầu với tình hình, khẳng định những chuyện như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông là người lãnh đạo nước Mỹ.
"Chúng ta đã nói về Thế chiến thứ III và tôi không muốn đưa ra dự đoán. Cả thế giới đang cười nhạo chúng ta. Đó là lý do tại sao Israel vừa bị tấn công. Bởi vì họ không còn tôn trọng đất nước chúng ta nữa”, ông Trump nói tại cuộc vận động tranh cử ở Wisconsin.
Phát biểu với các phóng viên ngày 1/10, Tổng thống Biden dường như thừa nhận sự thất vọng ngày càng tăng của dư luận đối với cách phản ứng của chính phủ liên bang sau cơn bão. "Tôi đã liên lạc thường xuyên với các thống đốc và lãnh đạo những khu vực bị ảnh hưởng, và chúng ta phải khởi động lại quá trình phục hồi này", ông nói.
Bà Harris đến Georgia và hôm 2/10 để xử lý hậu quả bão. Cuộc tranh luận của hai ứng viên phó tổng thống ngày 1/10 cho thấy cách hai nhóm tranh cử phản ứng với những vấn đề mới nảy sinh, để củng cố thông điệp của riêng họ và hạ bệ đối thủ.
Thống đốc Minnesota Tim Walz hứa sẽ có "sự lãnh đạo vững chắc" nếu bà Harris đắc cử, còn Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance cam kết mang lại "hòa bình thông qua sức mạnh" nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Cách Tổng thống Biden xử lý ba tình huống khẩn cấp mới nhất có thể tác động lớn đến quan điểm của các cử tri dao động đối với bà Harris trong những ngày cuối cùng của cuộc đua.
"Tổng thống Biden không thể giúp bà Kamala Harris trên bục diễn thuyết. Nhưng trong một chiến dịch mà bạn phải lật từng hòn đá ở một vài tiểu bang để lấy lòng các cử tri dao động, cách ông ấy xử lý khủng hoảng trong vài tuần tới có thể có tác động", Christopher Borick - Giám đốc Viện Nghiên cứu dư luận thuộc Đại học Muhlenberg ở Pennsylvania, nhận định.
Đội hỗ trợ tranh cử của bà Harris hiểu những rủi ro phải đối mặt khi nhiều cuộc khủng hoảng xuất hiện cùng lúc, với tính chất đa dạng và khó lường.
Một cuộc đình công kéo dài, phản ứng thảm họa vụng về hoặc xung đột leo thang hơn nữa ở Trung Đông có thể làm dấy lên nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Biden cũng như cấp phó của ông.
Tuy nhiên, các trợ lý chiến dịch tranh cử của bà Harris tin rằng thời điểm nguy hiểm này cũng tạo cơ hội để họ chứng minh với cử tri về mức độ nghiêm túc trong cách tiếp cận và xử lý khủng hoảng.
Trong bài phát biểu tại Waunakee, bang Wisconsin, và trong các bài đăng trên mạng xã hội tuần này, ông Trump đã cầu nguyện và bày tỏ quan tâm đến những người bị ảnh hưởng trong bão Helene, đồng thời chỉ trích bà Harris vì cuộc đình công của công nhân bến tàu.
Các trợ lý của bà Harris nhấn mạnh rằng, phó tổng thống đã đưa ra phát biểu ngắn gọn về cuộc tấn công của Iran vào Israel ngày 1/10, khi đang bận thực hiện những cuộc phỏng vấn cho chiến dịch vận động, nhằm khắc họa bà như một người sẵn sàng và kịp thời xử lý tình huống phát sinh.
Biến động vào cuối nhiệm kỳ là chuyện thường xảy ra đối với các đời tổng thống Mỹ, có thể là bê bối hoặc tình huống mà lãnh đạo đương nhiệm muốn chứng minh rằng ông hoặc người kế nhiệm mà ông ấy ủng hộ chính là người thích hợp nhất để lãnh đạo đất nước trong thời điểm bất định.
Trong quá khứ, ông George W. Bush đã thúc đẩy một gói cứu trợ để Quốc hội Mỹ thông qua nhằm ổn định hệ thống tài chính đang chao đảo, giữa những lo ngại nền kinh tế Mỹ bên bờ vực sụp đổ.
Tình hình nền kinh tế không có lợi cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa John McCain trong cuộc đua mà ông thua đối thủ Barack Obama.
Chiến dịch tái tranh cử của ông Jimmy Carter năm 1980 bị tê liệt bởi cuộc khủng hoảng con tin Iran. 52 con tin được thả vào ngày 20/1/1981, ngay sau khi người kế nhiệm Ronald Reagan nhậm chức.
Edward Frantz, một nhà sử học công tác Đại học Indianapolis, cho biết: "Nỗ lực của những lãnh đạo đương nhiệm để giúp bản thân họ hoặc ứng cử viên của đảng họ bằng ‘điều bất ngờ tháng 10' đã có từ khá lâu. Trong bối cảnh hiện nay, tôi không chắc có bao nhiêu cử tri cảm thấy thuyết phục bởi một ứng cử viên đang cố gắng thể hiện năng lực vào giai đoạn cuối này".
>>Truyền thông Mỹ nói Tổng thống Biden 'chạnh lòng' với bà Harris