Xã hội

Kiểm soát vi phạm nồng độ cồn phát huy hiệu quả

Bạch Dương 09/07/2024 - 14:13

Sau thời gian thực hiện Nghị định 100, việc kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã thực sự mang lại những chuyển biến tích cực. Tại các địa phương, số vụ tai nạn giao thông do rượu bia giảm, tình trạng người dân sử dụng rượu bia khi tham gia gia

Thời gian qua lực lượng CSGT đã quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Bạch Dương
Thời gian qua lực lượng CSGT đã quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Bạch Dương

Đặc biệt việc thực hiện đồng bộ kết hợp tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã dần hình thành nếp văn hóa tham gia giao thông "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Tất cả hướng đến mục tiêu bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe cho người dân.

Những con số đáng báo động về tác tại của rượu, bia

Trước khi Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông, theo quan điểm của Bộ Công an, cần cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” cho người dân.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2023, Bộ Công an, Bộ Y tế đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về: “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”, lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam.

Kết quả cho thấy, rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có sử dụng rượu, bia. Vì những con số đáng báo động về tác tại của rượu, bia.

Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia.

Bộ Công an dẫn số liệu, từ 2018 đến 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2,7 triệu lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là hơn 380.000 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%).

Như vậy, tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn tương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não nói chung.

Chuyên đề nồng độ cồn được CSGT xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ảnh: Bạch Dương
Chuyên đề nồng độ cồn được CSGT xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ảnh: Bạch Dương

Từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông

Theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.

Cục CSGT cho biết, Quý I/2024, lực lượng CSGT đã quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, trong đó đã xử lý 275.130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 26,8%); 1.587 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,15%); 21.740 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,1 %); 245.707 trường hợp vi phạm quy định về tốc độ (chiếm 24%). Qua đó số người chết do tai nạn giao thông đã giảm 484 (-15,1%) người so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Phòng CSGT CATP, trong 6 tháng đầu năm 2024 lực lượng này đã xử lý 17.897 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 81,776 tỷ đồng, tạm giữ 17.879 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.178 trường hợp. Trung bình kiểm tra 564 ô tô phát hiện 1 trường hợp và 31,4 trường hợp xe máy phát hiện 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Lãnh đạo Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết, vi phạm nồng độ cồn là một trong 3 nguyên nhân cơ bản gây tai nạn giao thông. Do vậy, công tác xử lý xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, trọng tâm là các nhóm hành vi gây tai nạn giao thông với mục đích từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông.

Qua đó, tỷ lệ tai nạn giao thông trong thời gian qua liên quan đến nồng độ cồn trên địa bàn TP đã có chiều hướng giảm mạnh.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT khẳng định, công tác đấu tranh, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông.

Tuy nhiên thực tế, tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn vẫn ở mức cao do thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt của người dân còn nhiều, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Do đó, để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân, lực lượng CSGT cả nước sẽ tiếp tục tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm chuyên đề người điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn, ma túy; quyết tâm hình thành bằng được thói quen văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”.

Quá trình xử lý vi phạm triệt để, không né tránh với tinh thần thượng tôn pháp luật không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Theo PGS. TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) việc cấm rượu, bia trong lúc lái xe là một quy định văn minh và nhân văn… Bảo vệ sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông, bảo vệ chính sức khỏe người tham gia giao thông, an sinh của cả gia đình, xã hội...

Xử lý nghiêm, không vùng cấm, không nể nang biểu hiện thái độ của người quản lý điều hành trong việc điều chỉnh các hành vi xã hội. Đây là thái độ cũng rất văn minh, mang tính công bằng, dân chủ cho xã hội. Việc này còn tác động trở lại, giáo dục ý thức của con người khi uống rượu, bia thì không lái xe.

>> Bài 1: Ám ảnh những vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn

Bài 1: Ám ảnh những vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn

Vi phạm nồng độ cồn bị phạt 2,5 triệu đồng, tài xế nói do chủ nhà mời 5 lít bia

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/bai-3-kiem-soat-vi-pham-nong-do-con-phat-huy-hieu-qua.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Kiểm soát vi phạm nồng độ cồn phát huy hiệu quả
POWERED BY ONECMS & INTECH