Bất động sản

Kiến nghị để Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định, lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH cho quân đội

Quốc Chiến 28/10/2024 15:04

Đại biểu kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho quân đội, phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.

Chiều ngày 28/10, tại Nhà Quốc hội nối tiếp Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, nhất là việc nhận diện các nhóm hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trong hơn 8 năm vừa qua và nhiều đại biểu đã kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội: Việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho biết, Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới yêu cầu: Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội và chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân và lực lượng vũ trang.

>> Đại biểu Quốc hội kiến nghị nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn và trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề trên chưa có quy định cụ thể để giải quyết vướng mắc. Do đó, rất khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 5.000 căn nhà xã hội mà Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, đại biểu kiến nghị bổ sung vào Nghị quyết: Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho quân đội, phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.

Như vậy, việc này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, áp lực cho chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo phù hợp, thống nhất về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại Luật Nhà ở năm 2023; tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chủ động triển khai thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của một phần cán bộ lượng vũ trang hiện nay.

Nhiều quy định có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể

Cũng tại kỳ họp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang bày tỏ thống nhất cao với nội dung khoản 1 Điều 2 tại dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là nội dung giao Chính phủ thực hiện ngay việc tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao trước ngày 1/12/2024, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đảm bảo thực sự khắc phục được các tồn tại, hạn chế đã nêu.

Đại biểu Quốc hội: Việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội đang gặp rất nhiều khó khăn
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu này cho biết, đối với việc phát triển nhà ở xã hội, qua kết quả giám sát và thực tế tại các địa phương cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập, đặc biệt là nhiều quy định có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong thi hành, nhất là đối với quy định chuyển tiếp.

Đại biểu lấy ví dụ, việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị vẫn còn nhiều bất cập do chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của người dân, dẫn đến có nơi, nhà ở xã hội đã xây dựng thì bỏ không, trong khi đó, nơi có nhu cầu thì lại thiếu nguồn cung, do chưa có quy định bắt buộc về thời hạn, dẫn đến chủ đầu tư kéo dài thời gian xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích theo quy định, phải chờ sau 5 năm mới được bán, gây nhiều lãng phí nguồn lực xã hội, giảm hiệu quả thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng chưa đủ sức hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có biện pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế này.

>> Sân vận động tiêu chuẩn quốc tế tại tỉnh duy nhất ở Trung du miền núi Bắc Bộ sẽ lên TP trực thuộc Trung ương dự kiến hoàn thành trong năm nay

Tỉnh giàu nhất Việt Nam hỗ trợ xử lý hồ sơ pháp lý '0 đồng' cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội

Hà Nội: Đề xuất giá thuê nhà ở xã hội cao nhất 198.000 đồng/m2/tháng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-viec-trien-khai-thuc-hien-chinh-sach-nha-o-cho-can-bo-quan-doi-dang-gap-rat-nhieu-kho-khan-256514.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kiến nghị để Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản quyết định, lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH cho quân đội
    POWERED BY ONECMS & INTECH