Bất động sản

ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá

Thanh Sơn 28/10/2024 11:00

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ cơ bản thống nhất với báo cáo của Đoàn giám sát nhưng cho rằng hiện thị trường BĐS đang bất ổn, hư hư thực thực và khó định giá.

BĐS hư hư thực thực

Sáng 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023". Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải là người điều hành phiên họp.

Bày tỏ cơ bản thống nhất với báo cáo của Đoàn Giám sát đã đánh giá cụ thể khách quan, có số liệu minh chứng đầy đủ, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận định thời gian vừa qua, thị trường BĐS đặc biệt trước dịch Covid-19 có sự phát triển mạnh cả về số và chất lượng.

ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Đặc biệt, nhiều KĐT mới hình thành, đặc biệt là TP. HCM và TP. Hà Nội, nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú, các chung cư cao tầng mọc lên chiếm cả không gian từ cao cấp đến nhà ở có thu nhập thấp ở trung tâm nội thành đến ngoại ô...

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng thời điểm này đang diễn ra tình trạng "sốt giá đất" khi nhu cầu ở thực không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê, thậm chí có những trường hợp người mới mua đã sang tay chốt lời, thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá.

Trong giai đoạn sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp nào neo giá cao, chậm bán đều gặp khó khăn do phần lớn đều vay tín dụng.

ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Bất động sản gần như đóng băng, có doanh nghiệp hạ giá bán còn 2/3 giá ban đầu nhưng vẫn ít người mua, chứng tỏ người dân không có nhu cầu cao với nhà ở cao cấp, trong khi đó nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì rất cần nhưng lại không xây dựng để bán.

>> Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng nguyên nhân do chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, đất đai... cho nhà ở xã hội chưa khuyến khích đối với các nhà đầu tư; gói tín dụng 120 nghìn tỷ chậm giải ngân, nhiều văn bản pháp quy vẫn còn chồng chéo chưa rõ ràng, nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ về nhà ở xã hội theo quy định, nếu có chỉ số ít căn hộ được mua hoặc thuê, chưa đáp ứng được nhu cầu, quỹ đất đô thị chủ yếu đấu thầu dự án dành cho nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội phụ thuộc vào 20% trong dự án của nhà ở thương mại.

Ngoài ra, vị đại biểu này cũng cho rằng vẫn còn nhiều bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung nên khâu thực hiện còn lúng túng, còn có sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất, còn tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 chưa đạt yêu cầu, có địa phương mới bước đầu triển khai do nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, phần lớn là từ nguồn xã hội hoá, xây dựng nhà trọ cho người dân thuê do hộ gia đình cá nhân thực hiện.

Hiện các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn, nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật, chậm định giá đất của địa phương cũng là nguyên nhân các dự án bất động sản và nhà ở xã hội bị đình trệ.

Đại biểu nhấn mạnh, công tác giám sát của Quốc hội đã chỉ ra những ưu điểm, những hạn chế thiếu sót, những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện quản lý thị trường bất động sản và triển khai thực hiện nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Đại biểu tin tưởng rằng thời gian tới, với sự đồng tâm hiệp lực của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, của doanh nghiệp, người dân, thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến tích cực khả quan, nhà ở xã hội phát triển, nhiều địa phương bắt tay thực hiện, đối tượng trong diện chính sách về nhà ở sẽ có đủ kiện tiếp cận được nhà ở, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp; doanh nghiệp bất động sản an tâm đầu tư vào thị trường nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, ổn định cuộc sống của người dân.

BĐS có sự phát triển lớn trong giai đoạn 2015-2023

Trước đó, trong báo cáo về giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" nêu rõ: Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý thị trường BĐS và nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đây được xem là nền tảng giúp thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, giải quyết một phần nhu cầu nhà ở cho người dân nhất là người thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh, xã hội.

Theo đó, trong giai đoạn 2015-2023, thị trường BĐS đã có bước phát triển lớn về quy mô với hơn 3.363 dự án nhà ở thương mại và KĐT đã triển khai trên quy mô hơn 111,9 triệu m2 đất, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị.

Riêng đối với BĐS công nghiệp, có 413 công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng 73%, góp phần phát triển sản xuất công nghiệp, xuất hiện nhiều loại hình BĐS mới như căn hộ du lịch condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú.

Ngoài ra thị trường BĐS cũng được đánh giá công khai, minh bạch hơn khi nhiều địa phương đã sử dụng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện cơ bản, phù hợp với quy định.

ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá
Thị trường BĐS đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong thời gian vừa qua. Ảnh: Internet

Tín dụng cho BĐS tăng trưởng cao chiếm 18-21% tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện xử lý nhiều sai phạm giúp thanh lọc thị trường.

Cũng trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật về phát triển nhà ở xã hội cũng đã được xây dựng và hoàn thiện, đến nay, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 567.042 căn.

Ngoài những kết quả đạt được, thị trường BĐS và nhà ở xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá BĐS còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh...

>> Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam sẽ lên TP trực thuộc Trung ương đang tìm nhà đầu tư cho KĐT nghìn tỷ

Kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất

Tỉnh giàu nhất Việt Nam hỗ trợ xử lý hồ sơ pháp lý '0 đồng' cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dbqh-tinh-dong-thap-thi-truong-bds-bat-on-hu-hu-thuc-thuc-kho-dinh-gia-256453.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Thị trường BĐS bất ổn, hư hư thực thực, khó định giá
    POWERED BY ONECMS & INTECH