Kiệt tác quân sự ẩn dưới lòng đất chạy qua ngôi đình thiêng được ví như 'địa đạo trong lòng dân': Từng là chứng tích lịch sử kiên cường của quân và dân xứ Quảng
Địa đạo này được xem là minh chứng cho tinh thần chiến đấu kiên cường và sáng tạo của quân và dân Quảng Nam trong những năm kháng chiến.
Ẩn mình dưới lòng đất như một thành phố ngầm thu nhỏ tại xã Kỳ Anh, nay là xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là địa đạo Kỳ Anh.
Người dân bắt đầu đào địa đạo này từ tháng 5/1965 với những công cụ đơn giản như cuốc, xẻng, xà beng, thúng... cùng sự tham gia của nhiều lực lượng như bộ đội, du kích tại địa phương, phụ nữ, nông dân.
Đến năm 1967, hệ thống địa đạo Kỳ Anh được hoàn thiện với tổng chiều dài khoảng 32km, chiều rộng từ 0,5 đến 0,8m, chiều cao dao động trong khoảng 0,8 đến 1m, chiều dài từng đoạn được thiết kế linh hoạt tùy theo địa hình từng thôn.
Không chỉ đơn thuần là nơi trú ẩn, địa đạo Kỳ Anh còn được quy hoạch thành một mạng lưới ngầm đa chức năng, bao gồm hầm chỉ huy, hầm quân y, kho chứa lương thực, hầm tránh bom, ụ chiến đấu bí mật cùng những đường thông hơi được ngụy trang tinh vi.
Từ lòng đất, địa đạo Kỳ Anh đã trở thành "căn cứ lòng dân", góp phần không nhỏ vào những chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo chia sẻ của người dân,cùng với địa đạo Củ Chi (TP. HCM) và địa đạo Vịnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Kỳ Anh là một trong ba hệ thống địa đạo lớn nhất Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống ngoại xâm.
Công trình này bắt nguồn từ ngôi đình cổ Thạnh Tân hơn 300 năm tuổi. Công việc đào địa đạo được khởi đầu ngay dưới các hàng tre và hệ thống dây leo bản địa, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên để che giấu công trình khỏi sự dò xét của đối phương.
Một điểm đặc biệt ở Kỳ Anh là mỗi hầm tránh pháo của người dân đều có lối thông ngầm dẫn trực tiếp vào địa đạo. Nhờ vậy, khi địch tràn vào, cán bộ và chiến sĩ có thể nhanh chóng rút lui an toàn qua các đường hầm tránh pháo.

Tại làng Vĩnh Bình, địa đạo bắt đầu từ giếng nước gia đình ông Hồ Kỳ, nơi lòng đất mở ra ba nhánh khác nhau: một nhánh dẫn vào làng, một nhánh vào nhà liệt sĩ Phạm Sĩ Thuyết – căn cứ cách mạng tin cậy, và nhánh còn lại dẫn ra khu vực sông Đầm rộng hơn 180ha bãi lau sậy lầy lội, tạo điều kiện ẩn náu lý tưởng.
Với vị trí chỉ cách trụ sở chính quyền cũ 7km và căn cứ quân Mỹ khoảng 2km, địa đạo Kỳ Anh có ý nghĩa chiến lược to lớn. Không ít lần, khu vực này hứng chịu những trận càn quét ác liệt của địch, khiến làng mạc tan hoang.
Theo chia sẻ của ông Huỳnh Kim Ta (66 tuổi, làng Thạch Tân) chia sẻ trên báo Thanh Niên: "Làng Thạch Tân khi ấy chỉ có 140 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu, nhưng đã có tới 203 liệt sĩ và 59 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Toàn xã Tam Thăng, qua hai cuộc kháng chiến, có tới 1.252 liệt sĩ và 237 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".

Hoạt động đào địa đạo diễn ra âm thầm vào ban đêm, thường bắt đầu từ 17 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Đất đá được bí mật vận chuyển, đổ lên các hầm tránh pháo nhằm tránh bị địch phát hiện.
Khác với địa đạo Củ Chi hay Vịnh Mốc được xây dựng ở khu vực rừng rậm hoặc ven biển, địa đạo Kỳ Anh nằm ngay trong lòng các khu dân cư.
Điều này đòi hỏi sự đồng lòng và tinh thần kỷ luật cao độ của toàn dân trong việc giữ bí mật tuyệt đối. "Cũng bởi vậy, ngoài tên gọi địa đạo Kỳ Anh, người ta còn trân trọng gọi công trình này là địa đạo trong lòng dân," ông Ta xúc động chia sẻ.

Một nét độc đáo của địa đạo Kỳ Anh là đường hầm chạy ngang qua đình Thạch Tân – ngôi đình thiêng vừa là trung tâm văn hóa tín ngưỡng, vừa là căn cứ cách mạng.
Dưới nền đình, các chiến sĩ đã bí mật xây dựng hầm cứu thương và kho trữ lương thực. Năm 1968, quân địch từng dùng 4 xe tăng kéo đổ tường đình và cột xích vào các cột đình để phá hủy công trình.
Thế nhưng, kỳ lạ thay, mọi sợi xích đều lần lượt đứt gãy, minh chứng cho sự kiên cố phi thường của ngôi đình và thắp thêm niềm tin son sắt trong lòng quân dân.
Hiện nay, những cây cột đình vẫn còn in dấu vết đạn bom và dây xích như chứng nhân lịch sử sống động. Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, ghi dấu một giai đoạn hào hùng của dân tộc nói chung và của quân và dân xứ Quảng nói riêng.
Tỉnh dự kiến sáp nhập với thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ có đặc khu sau sắp xếp
Công viên ánh sáng lớn nhất Việt Nam chính thức mở cửa đón khách