Kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng mạnh từ việc ông lớn Zhongzhi phá sản
Zhongzhi chính thức nộp đơn xin phá sản hôm 5/1. Sự sụp đổ của ông lớn tài chính khiến kinh tế Trung Quốc thêm khó khăn và được đánh giá đã qua thời kỳ tăng trưởng vượt bậc cũng như khó có cơ hội vượt Mỹ.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản và tài chính khiến Trung Quốc tiếp tục đối mặt khó khăn và có tác động xấu tới thế giới.
Khủng hoảng bất động sản lan sang tài chính
Thị trường tài chính của Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng mới khi tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ Zhongzhi Enterprise Group hôm 5/1 nộp đơn xin phá sản vì không thể trả được các khoản nợ. Thông tin này khiến giới đầu tư và người tiêu dùng tại Trung Quốc thêm lo lắng.
Tòa án ở Bắc Kinh cho biết hôm 5/1 họ đã xem xét và ra phán quyết chấp nhận đơn xin phá sản của Zhongzhi. Trước đó, Zhongzhi đã tuyên bố vỡ nợ với khoản nợ ước lên tới gần 66 tỷ USD.
Trước đó, hôm 27/11 cảnh sát Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra hình sự một số lãnh đạo Zhongzhi. Tập đoàn này quản lý khối tài sản lên tới hơn 140 tỷ USD và đã rót vốn cho rất nhiều nhà phát triển địa ốc. Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã nhấn chìm doanh nghiệp này.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể mất hàng chục tỷ USD vì Zhongzhi, sau khi thông tin về tình trạng mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và sự thiếu hụt hàng chục tỷ USD trong bảng cân đối kế toán của Zhongzhi được công bố.
Cũng theo Bloomberg, một lượng tiền lớn của các nhà đầu tư giàu có Trung Quốc đã rót vào Zhongzhi thông qua các sản phẩm có lãi suất cao, nhưng họ có thể chỉ lấy lại được một phần nhỏ. Zhongzhi hiện ở trong tình trạng thanh khoản cạn kiệt. Số tiền thu hồi được từ việc thanh lý tài sản của tập đoàn này dự kiến sẽ ở mức thấp.
Zhongzhi được biết đến là một ngân hàng ngầm (shadow banking) tại Trung Quốc, huy động vốn của các hộ gia đình để cho vay hoặc đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.
Mặc dù thị trường bất động sản Trung Quốc vài năm gần đây chìm trong khó khăn, nhưng Zhongzhi và các công ty liên quan vẫn đổ một lượng tiền lớn cho các nhà phát triển địa ốc cũng như thu mua tài sản từ các công ty, trong đó có China Evergrande - một tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đã tuyên bố phá sản.
Cú sốc Zhongzhi là tín hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài tại Trung Quốc có thể đang lan sang hệ thống tài chính của nước này, như là một "Lehman Brothers của Trung Quốc".
Trước đó, hồi giữa tháng 10, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden đã không thể thanh toán tiền lãi trái phiếu bằng đồng USD sau khi giai đoạn ân hạn 30 ngày kết thúc vào 17/10. Country Garden chính thức được coi là vỡ nợ trên thị trường quốc tế. Sự kiện này tiếp tục cho thấy cuộc khủng hoảng nợ bất động sản lan rộng hơn, làm rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến vụ vỡ nợ của Evergrande trong năm 2021. Ảnh hưởng của Country Garden còn mạnh hơn Evergrande vì số dự án lớn gấp nhiều lần.
Còn “bom nợ” Evergrande vẫn bên bờ vực thẳm. CEO và CFO của tập đoàn này mới đây bị bắt và "ông lớn" bất động sản một thời của Trung Quốc tiếp tục thông báo không thể thanh toán trái phiếu tới hạn. Evergrande được xem là hãng bất động sản nợ lớn bậc nhất thế giới.
Trong động thái mới nhất, Bắc Kinh đã có tín hiệu đảo chiều chính sách với kế hoạch mạnh tay giải cứu thị trường bất động sản. Theo Reuters, Trung Quốc đã đưa Country Garden vào danh sách dự thảo gồm 50 nhà phát triển bất động sản đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính. Các nhà phát triển đang gặp khó khăn khác, như Sino-Ocean Group và CIFI Holdings, cũng có tên trong dự thảo “danh sách trắng”.
Ứng phó quyết liệt
Theo dự thảo, Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung hỗ trợ dòng tiền đối với các nhà phát triển bất động sản, cụ thể như xem xét về việc cung cấp các khoản nợ ngắn hạn không cần tài sản đảm bảo, tài trợ vốn lưu động...
Nỗ lực ứng phó với khủng hoảng bất động sản lan rộng của Trung Quốc được xem là quyết liệt. Các ngân hàng đang được yêu cầu đáp ứng nhu cầu vốn lên đến hàng trăm tỷ USD để ổn định ngành bất động sản và đảm bảo hoàn tất các dự án còn dang dở.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với những tín hiệu tăng trưởng chậm lại. Theo Financial Times, quá trình tăng trưởng vượt bậc kéo dài hàng thập kỷ của nền kinh tế Trung Quốc rất khó tiếp diễn.
Các động lực tăng trưởng của nước này, trong đó có hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khu đô thị trên khắp cả nước, ngày càng gặp nhiều thách thức.
Quốc gia này đã qua thời kỳ xây dựng hàng chục nghìn km đường cao tốc, hàng trăm sân bay và mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới... Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào tình trạng dư thừa, với hàng trăm triệu căn hộ bị bỏ trống. Hiệu quả vốn đầu tư ở Trung Quốc ngày càng thấp.
Trên FT, Chủ tịch Rockefeller International Ruchir Sharma cho rằng, tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong GDP toàn cầu đang nhỏ dần kể từ năm 2022 do các biện pháp phong tỏa chặt chẽ khi thực hiện chính sách “zero Covid”.
Tỷ trọng này sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023, dự kiến còn 17% (từ mức 18,4% năm 2021) do khủng hoảng bất động sản ngăn cản kinh tế hồi phục.
Điều này có thể tiếp tục xảy ra trong năm 2024, khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ xuống còn 4,4%, so với mức 4,8% trước đó.
Thị trường bất động sản Trung Quốc được xem là rất khó tăng trưởng mạnh trở lại trong bối cảnh sức cầu yếu. Những người có tài chính hoặc/và có khả năng vay đã vay nợ để mua nhà. Trong khi dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng. Giới trẻ Trung Quốc có những suy nghĩ khác với thế hệ đi trước, sẵn sàng thuê nhà thay vì vay tiền mua nhà và dành cả đời trả nợ.
Theo Capital Economics, với mức suy giảm tăng trưởng kinh tế như vừa qua, Trung Quốc rất khó vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ được bù đắp bởi Mỹ và các quốc gia mới nổi khác” như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil,...
Dù vậy, đó là câu chuyện của tương lai. Trước mắt, cuộc khủng hoảng bất động sản và tài chính đang kéo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại - điểm đáng chú ý của kinh tế thế giới năm 2024.
Câu chuyện của Zhongzhi Enterprise được xem là hồi chuông cảnh báo đối với thị trường tài chính ngân hàng Trung Quốc. Sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế 1,4 tỷ dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế thế giới.
'Gã khổng lồ tài chính' Zhongzhi được Toà án chấp nhận đơn xin phá sản
Các nhà máy châu Á chao đảo vì kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt