Vĩ mô

Kinh tế Việt Nam 2024: Tâm điểm tăng trưởng khu vực, không trải đầy hoa hồng

Mạnh Hà 30/12/2023 - 06:46

Việt Nam được dự báo trở thành tâm điểm mới của tăng trưởng kinh tế châu Á. Tuy nhiên, con đường lấy lại đà bứt phá không trải đầy hoa hồng.

Những tín hiệu tích cực

Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm 2023 khó khăn nhưng đã có nhiều tín hiệu tích cực vào những tháng cuối năm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/12, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI suy giảm ở nhiều nước khu vực châu Á khi USD mạnh lên, lãi suất tại Mỹ ở mức cao kỷ lục nhiều thập kỷ.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao kỷ lục kể từ trước tới nay. Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… là các nước đổ mạnh vốn vào Việt Nam trong năm 2023.

Sau khi có sự khởi đầu chậm chạp trong quý I/2023, kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng cải thiện qua các quý liên tiếp (quý I: GDP tăng trưởng 3,28%; quý II: +4,05%; quý III: +5,33%). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 4,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu 6,5%.

fdi2023duanlon.gif
Các dự án vốn FDI lớn trong năm 2023. (Nguồn: Chứng khoán MBS)

Hoạt động sản xuất sôi động trở lại. Khu vực dịch vụ và xuất khẩu tăng tốc trở lại trong các tháng cuối năm. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 7% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ, lên 11,2 triệu lượt người.

Với những diễn biến tích cực trở lại, nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ ở mức cao hơn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 sẽ tăng ở mức 6%, so với mức dự báo tăng 5,2% trong năm 2023. ADB cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.

Trước đó, Bloomberg Economics có bài viết đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 nước (Việt Nam, Ba Lan, Morocco, Mexico và Indonesia) nổi lên là những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu.

Bloomberg cũng cho rằng, nền kinh tế đang phát triển nhanh đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp.

Công ty tư vấn McKinsey cho rằng khu vực Đông Nam Á là điểm sáng trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu. Trong đó, nhóm tăng trưởng cao gồm Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.

Trong diễn đàn “Đổi mới sáng tạo vượt qua thách thức: Chiến lược cho một Việt Nam chuyển đổi”, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành tâm điểm mới của tăng trưởng kinh tế châu Á. Các chính sách và đối tác là chìa khóa giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì đúng hướng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030.

lamphatthegioi2023.gif
Kinh tế thế giới ổn định hơn, lạm phát hạ nhiệt. Các nước cũng bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tâm điểm tăng trưởng của châu Á, nhưng còn nhiều thách thức

Theo Chứng khoán MBS, Việt Nam có nhiều động lực tăng trưởng trong năm 2024. Trong năm Rồng 2024, kinh tế Việt Nam sẽ gặp mây. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức.

MBS dự báo xuất khẩu sẽ tích cực hơn trong năm 2024 với mức tăng trưởng dương 6-7% trên nền thấp của năm trước, với thặng dư thương mại 12-15 tỷ USD.

Theo WTO, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024, cao hơn mức 0,8% trong năm 2023, chủ yếu nhờ hàng tồn kho thế giới đã tạo đáy cũng như áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể.

Bên cạnh nỗ lực khai thác các thị trường lớn và truyền thống, việc mở thêm được các thị trường xuất khẩu mới là rất quan trọng, nhất là trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam. Được biết, Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel, ký kết các FTAs với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur)… để đa dạng hóa thị trường, qua đó góp phần hóa giải những khó khăn và phục hồi xuất khẩu trong ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, những thách thức đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 bao gồm: chi phí vận tải có thể tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị (bất ổn ở khu vực Biển Đỏ, chiến tranh khu vực Trung Đông,...); gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,... Trong khi đó, ở trong nước, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đương đầu với chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, chi phí đầu vào tăng do tăng giá điện, tăng lương cơ bản,...

Theo MBS, đầu tư công năm 2024 sẽ bứt phá nhờ nhiều dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Ước tính kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công cho năm 2024 vào khoảng 750.000 tỷ đồng (bao gồm phần kết chuyển từ 2023).

Trên thực tế, nhiều nút thắt đầu tư những năm trước đã được tháo gỡ như: công tác chỉ định thầu đẩy nhanh quá trình giao thầu, việc khai thác các mỏ đất đá mới đã được cấp phép, giá nguyên vật liệu xây dựng đã hạ nhiệt so với giai đoạn 2021-2022…

MBS dự báo, giải ngân đầu tư công thực tế năm 2024 sẽ đạt khoảng 85-90% kế hoạch, tương ứng với tăng trưởng 38-45% so với năm 2023.

Chính sách tiền tệ sẽ ở trạng thái cân bằng hơn, tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm 2024. Lãi suất đầu vào có xu hướng tạo đáy trong quý I/2024 song vẫn duy trì ở nền thấp trong cả năm 2024.

Trong năm 2024, theo MBS, có nhiều thách thức đối với nền kinh tế. Lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh. Thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài sẽ tạo áp lực lên thị trường trái phiếu và nợ xấu hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống đang có xu hướng tăng lên đa phần rủi ro đến từ khu vực bất động sản.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect - cho rằng, con đường phục hồi tăng trưởng của kinh tế không trải đầy hoa hồng. Hoạt động sản xuất dần phục hồi trong tháng 11 nhưng rủi ro suy giảm vẫn còn. Ngành sản xuất hàng may mặc trong tháng 11 tăng khá chậm, chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ. Sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và quang học ghi nhận mức tăng trưởng 3,4%, tương đương mức tăng trong tháng 10.

kinhte2024dubao.gif
Vĩ mô cải thiện hơn trong các tháng cuối năm 2023. (Nguồn: VNDirect)

Dù vậy, triển vọng kinh tế vĩ mô 2024 của Việt Nam nhìn chung vẫn khá tốt. Ông Nguyễn Nhật Khánh - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT - cho rằng mục tiêu tăng trưởng năm sau quanh 6% là khả thi với động lực chính đến từ sản xuất, xuất khẩu và đầu tư công.

Theo chuyên gia FIDT, triển vọng kinh tế có thể tốt hơn từ nửa sau năm 2024. Các yếu tố nền tảng cơ bản xấu nhất đã đi qua rồi, nhưng kinh tế vẫn chưa đi lên được, chỉ đi ngang và có thể rơi xuống nữa nếu như nội lực kinh tế không đủ mạnh. Trong khi các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ còn gặp nhiều khó khăn.

Gần đây, việc Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên 'BB+', từ mức 'BB', với triển vọng "ổn định" là tích cực. Việc nâng hạng ghi nhận sự cải thiện vững chắc hơn về bảng cân đối tài khóa của Chính phủ Việt Nam cũng như dòng vốn FDI mạnh mẽ.

Việt Nam đang được hai tổ chức là Fitch và S&P xếp hạng tín nhiệm dưới cấp bậc “Đầu tư” một bậc. Việc đạt được cấp bậc “Đầu tư” có thể giảm đáng kể chi phí tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng trong tương lai.

Một số nền kinh tế lớn trên thế giới trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ không trải qua cú sốc lớn. Theo Business Insider, kinh tế Mỹ trong năm 2024 có thể “hạ cánh mềm”, cho dù có thể suy thoái nhẹ. Lạm phát của Mỹ đã giảm đáng kể trong bối cảnh việc làm tăng trưởng ổn định và đầu tư sản xuất tăng đột biến. Đây cũng là yếu tố tích cực cho kinh tế Việt Nam.

>> Dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý IV và Năm 2023

Dồn lực vào bất động sản để tăng trưởng kinh tế?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/kinh-te-viet-nam-2024-tam-diem-tang-truong-khu-vuc-khong-trai-day-hoa-hong-2232601.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh tế Việt Nam 2024: Tâm điểm tăng trưởng khu vực, không trải đầy hoa hồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH