KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại

25-04-2023 20:13|Hữu Dũng

Tồn kho tại nhiều doanh nghiệp thép bắt đầu tăng trở lại và những khoản lãi đã xuất hiện nhiều hơn trong quý 1/2023. Dù vậy, cổ đông nhiều doanh nghiệp thép có lẽ sẽ phải trải qua một mùa đầu tư thiếu vị cổ tức. Hơn thế, hàng vạn chứng sĩ cũng cần thêm thời gian để được hưởng trái ngọt cổ phiếu thép (sau nhịp hồi giữa tháng 11/2022).

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 đang bước vào giai đoạn hấp dẫn khi hàng trăm doanh nghiệp cùng ra báo cáo. Với riêng nhóm thép, nhiều doanh nghiệp đầu ngành hiện vẫn chưa công bố số liệu kinh doanh song bức tranh lợi nhuận nhóm thép cơ bản đã được phác họa.

Những doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính đến thời điểm hiện tại đều chứng kiến đà lao dốc cả về doanh thu lần lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng quý 1/2022 vẫn nằm trong nhịp cuối của chuỗi kinh doanh ấn tượng (cao điểm) của hầu hết các doanh nghiệp ngành này trong bối cảnh giá thép tăng cao và các tác động vĩ mô trong/ngoài nước (như xung đột Nga - Ukraine, Fed tăng lãi suất, NHNN tăng lãi suất, thương mại thế giới ngưng trệ,...) vẫn chưa thực sự tác động đậm nét đến những công ty thép.

Nếu so với quý cuối năm 2022, tình hình kinh doanh trong quý 1/2023 của Hòa Phát, Hoa Sen và nhóm doanh nghiệp thép phần nào đã sáng dần trở lại.

Kết quả kinh doanh quý 1/2023: Những khoản lỗ "vơi" dần

CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (Mã VCA - HOSE) công bố báo cáo tài chính riêng quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 506,3 tỷ đồng, giảm tới 40,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận giảm 40% về 5,3 tỷ đồng.

CTCP Tôn Đông Á (hãng tôn mạ top 2 tại Việt Nam năm 2022 với thị phần 17,6%) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.900 tỷ đồng; giá vốn tăng cao hơn khiến biên lãi gộp giảm về mức 7,5% - tương ứng 294 tỷ.

CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (Mã TDS - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt gần 349 tỷ đồng - giảm tới 54% so với quý 1/2022 đồng thời cũng là mức thấp thứ 2 trong 5 quý gần nhất.

Lãi sau thuế kỳ này của TDS ở mức 4,4 tỷ đồng - giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, biên lãi ròng của TDS tăng từ mức 1,06% YoY lên 1,26%. Tuy nhiên, nếu so với mức lãi 14,8 tỷ đồng của quý gần nhất (quý 4/2022), lợi nhuận sau thuế của Thép Thủ Đức đã giảm tới 70%.

Được biết TDS hiện là công ty con do Tổng CTCP Thép Việt Nam (Mã TVN) sở hữu 7.946.510 cổ phiếu (tỷ lệ 65% vốn).

KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại
Kế hoạch kinh doanh của VNsteel năm 2023

CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (Mã TIS - UPCoM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1/2023 lao dốc mạnh với doanh thu thuần giảm 34% về mức 2.445 tỷ đồng và lỗ sau thuế 19,1 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 29 tỷ đồng. Đáng nói, đây đã là quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Trước đó, công ty lần lượt báo lỗ 25 tỷ và 17,4 tỷ trong các quý 3 và 4/2022.

CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã TLH - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu giảm 20% so với cùng kỳ về mức 1.432 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 6,3 tỷ đồng - giảm 93% YoY song cải thiện hơn mức lỗ 114 tỷ đồng của quý liền trước.

Một ông lớn ngành thép vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1 là CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã SMC - HOSE) với doanh thu giảm quý thứ 4 liên tiếp về còn 3.887 tỷ đồng; lãi ròng ở mức 21 tỷ đồng - giảm 74% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo vừa công bố, "anh cả" ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HOSE) cho biết doanh thu quý 1/2023 đạt 26.865 tỷ đồng - giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022 song cải thiện nhẹ so với quý liền trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 383 tỷ đồng. Đây được xem là kết quả khả quan sau trong bối cảnh tập đoàn đã lỗ tới gần 3.800 tỷ đồng trong 2 quý trước đó.

KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại

Gánh nặng giá vốn bán hàng và chi phí hoạt động

Nhìn lại năm 2022 để thấy phân nửa nợ phải trả của doanh nghiệp thép đến từ vay nợ tài chính (thông qua ngân hàng, vay cá nhân, trái phiếu,...). Dưới động của lãi suất, chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp trong quý 4 thấp chí đã tăng từ 2 - 3 lần so với quý 1.

Tính chung, Top 8 doanh nghiệp đầu ngành thép đã phải chi tổng cộng gần 4.900 tỷ đồng cho khoản chi phí lãi vay trong năm này trong đó 63% chi phí đến từ Tập đoàn Hòa Phát.

Quý đầu năm 2023, dễ thấy doanh nghiệp thép vẫn gặp khó với bài toán chi phí hoạt động. Bên cạnh sự suy yếu của mảng cốt lõi, giá vốn bán hàng tăng cao, Tôn Đông Á ghi nhận chi phí tài chính tăng 38% YoY lên 101 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay).

Bù lại, chi phí hoạt động giảm đáng kể về mức 283 tỷ nên sau trừ các khoản thuế phí, công ty báo lãi ròng 82 tỷ đồng - giảm 60% so với quý 1/2022. Mặc dù vậy, đây vẫn là kết quả khả quan nếu so với 2 quý lỗ trước đó.

Với Tisco, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao trong khi chi phí tài chính thậm chí tăng gấp đôi cùng kỳ lên mức 42 tỷ đã triệt tiêu mức lãi thuần có được.

Phía công ty cho biết, trong quý 1/2023, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ thép cán giảm 28% YoY trong khi giá bán thép bình quân giảm mạnh tỷ lệ giảm 8,9% trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao.

Cũng trong cơn đau đầu chi phí tăng, quý vừa qua, Thép Tiến Lên phải chi tới 28,6 tỷ đồng chi phí lãi vay - tăng gần 13 tỷ YoY, các chi phí còn lại dù giảm đáng kể song vẫn còn ở mức cao (lần lượt 11,4 tỷ và 10,8 tỷ). Thêm vào đó, công ty cũng chỉ thu về vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng doanh thu tài chính - giảm tới 85% so với quý 1/2022.

Giá vốn bán hàng tăng mạnh cũng kéo biên lãi gộp của công ty về mức 3,4%.

Ngược chiều đa số các doanh nghiệp cùng ngành, Thép Thủ Đức - Vnsteel ghi nhận tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng chậm hơn giúp biên lợi nhuận của công ty cải thiện lên mức 4,9% - tương ứng lãi gộp đạt 17,3 tỷ đồng. Thêm vào đó, việc tiếp tục duy trì được quý lãi thứ 2 liên tiếp cũng có đóng góp không nhỏ của việc tiết giảm chi phí hoạt động về mức gần 12 tỷ trong khi con số cùng kỳ là 17 tỷ đồng.

Tương tự, Thương mạiSMC nhờ tiết giảm đáng kể giá vốn bán hàng nên mặc dù lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ về mức 159 tỷ song biên lãi gộp đã cải thiện mạnh lên mức 4,1%.

Với VCA, dù chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng mạnh 92% song giá vốn bán hàng giảm mạnh từ 825,4 tỷ đồng xuống 478,6 tỷ đã giúp lợi nhuận gộp của công ty đi ngang so với cùng kỳ năm trước đạt 27,7 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp được cải thiện tăng từ 3% lên 5%.

KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại

Tài sản và tồn kho tăng trở lại: Một tín hiệu tích cực?

Dù chưa công bố báo cáo chi tiết song có thể khẳng định rằng những tác động từ môi trường lãi suất và sự vận hành của nền kinh tế cũng sẽ tiếp tục tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp đầu ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen (mã HSG), Nam Kim (mã NKG) hay Thép Việt Nam (mã TVN),...

Đồng pha với diễn biến giảm nợ, tại thời điểm cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp thép cũng giảm đáng kể so với thời điểm giữa năm qua đó giúp gánh nặng trích lập dự phòng vơi đi phần nào.

Tuy nhiên, câu chuyện của quý 1/2023 đã khác khi tồn kho tại nhiều doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại. Sự gia tăng đến từ sức khỏe nền kinh tế hồi phục hay một điều gì khác?

Đến cuối quý 1/2023, tổng tài sản của Tôn Đông Á tăng gần 1.000 tỷ đồng lên mức 11.276 tỷ; tài sản ngắn hạn ghi nhận mức 8.500 tỷ đồng trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 2.300 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 500 tỷ lên mức 3.800 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nợ ngắn hạn của công ty ở mức 7.700 tỷ đồng trong đó gần 6.000 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn.

Tương tự, Tisco cũng ghi nhận tổng tài sản tăng 5,6% so với đầu năm đạt 10.750 tỷ đồng trong đó hàng tồn kho tăng 21% lên 2.132 tỷ (mức cao nhất trong 4 quý trở lại đây). Nợ phải trả cũng tăng 7% lên 8.807 tỷ đồng.

Trước đó, tại báo cáo tài chính 2022, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của TIS vượt 4,2 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là xấp xỉ 3.416 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án mở rộng gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán.

Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề ngoại trừ cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hăng hoạt động liên tục của Tisco.

KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại
Kế hoạch kinh doanh công ty mẹ Tisco

Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của TDS tăng 114 tỷ so với đầu năm lên mức 483 tỷ đồng trong đó phần tăng chủ yếu đến từ hàng tồn kho - tăng 40% lên mức 355 tỷ đồng (chiếm 73,5% tổng tài sản).

Nợ phải trả của công ty tăng 2,4 lần lên mức 187,5 tỷ trong đó có khoản vay mới 94 tỷ đồng (vay tài chính ngắn hạn; đây là 2 khoản vay mới tại Ngân hàng Công Thương - Chi nhánh TP. HCM (gần 37,2 tỷ) và Vietcombank - Chi nhánh TP. HCM (56,8 tỷ)). Vốn chủ sở hữu của Thép Thủ Đức đi ngang quang ngưỡng 29x tỷ đồng (bao gồm 129 tỷ lãi sau thuế chưa phân phối).

Cũng ghi nhận tài sản tăng trưởng là trường hợp của Đầu tư Thương mại SMC (tăng 234 tỷ) lên mức 8.563 tỷ đồng. Phần tăng chủ yếu ghi nhận ở hạng mục hàng tồn kho (tăng 19% so với đầu năm) lên mức 1.860 tỷ đồng. Ngược chiều, lượng tiền mặt và tiền gửi giảm về còn 1.379 tỷ.

Với Thép Tiến Lên, tính tới cuối quý 1, tổng tài sản của công ty giảm nhẹ 85 tỷ về mức 4.116 tỷ đồng bao gồm 2.850 tỷ hàng tồn kho (giảm so với quý trước và đã bao gồm trích lập dự phòng hơn 21 tỷ) - chiếm 69,2% tổng tài sản.

Điểm đáng lưu ý, danh mục đầu tư chứng khoán của TLH trong quý 1 giảm về mức 90 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm từ mức gần 63 tỷ hồi đầu năm về còn 49,5 tỷ đồng - tương ứng tạm lỗ 55,1% tổng danh mục.

Công ty đang ghi nhận đầu tư 23,5 tỷ đồng cổ phiếu SHB (trích lập dự phòng 11,1 tỷ); đầu tư 21,2 tỷ đồng cổ phiếu VIX (dự phòng 13,5 tỷ); đầu tư 12,8 tỷ đồng cổ phiếu IJC (dự phòng 6,3 tỷ đồng); các khoản đầu tư khác với 32,3 tỷ đồng (trích lập dự phòng 18,6 tỷ).

KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại
Danh mục chứng khoán đầu tư của TLH quý 1/2023

Như vậy, toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán của Thép Tiến Lên đều ghi nhận thua lỗ trong quý 1 vừa qua.

Vết trượt sau lưng - con đường trước mặt

Năm 2022, tất cả các doanh nghiệp ngành thép đều không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Chỉ tính riêng 8 doanh nghiệp lớn nhất, nhóm này đã ghi nhận tổng cộng gần 308.000 tỷ đồng doanh thu trong đó riêng doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát đã chiếm tới hơn 46% tỷ trọng.

Dù doanh thu không biến động quá lớn so với năm trước đó song ngoại trừ TLH, HPG và HSG thoát nẹn nhờ khoản thu tương đối trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp còn lại như POM, TVN, SMC, NKG, TIS đều báo lỗ trong đó NKG thậm chí báo lỗ trở lại sau 10 năm.

Tổng lợi nhuận sau thuế của Top 8 doanh nghiệp đầu ngành tôn/thép năm 2022 chỉ vỏn vẹn 8.703 tỷ đồng (phần lớn là lãi của Hòa Phát) - chỉ nhỉnh hơn chút so với khoản lãi 8.700 tỷ đồng của riêng HPG trong quý 1/2022. Cộng gộp, biên lãi ròng của nhóm trong năm qua chỉ đạt vỏn vẹn 2,8%.

KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại

Với Tôn Đông Á, đầu tháng 4 vừa qua, công ty thậm chí đã có thông báo gửi HOSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu với lý do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan. Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định.

Nhận định về triển vọng kinh doanh Tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã đi qua.

Trong khi đó, tại Đại hội vừa kết thúc, Chủ tịch HĐQT SMC Nguyễn Thị Ngọc Loan chia sẻ: "Với góc độ là người đứng đầu của SMC, tổn thất năm 2022 là tổn thất vô cùng lớn. Ở vị trí Chủ tịch công ty, tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm trước cổ đông và nhà đầu tư về thiệt hại của năm 2022".

Nữ Chủ tịch cũng cho rằng: "Năm 2023 thật lạ lẫm. Trong hơn 35 năm hoạt động trong ngành thép, đây là năm lạ nhất. Thông thường, cao điểm của ngành thép thường rơi vào tháng 3 - 4 hàng năm. Nhưng năm nay lại khác. Tháng 3 năm nay tuy có nhu cầu nhưng không phải cao điểm. Lực cầu có đỡ hơn tháng 2/2023 nhưng vẫn không cao".

Giới chuyên môn dự báo, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, nhu cầu thép xây dựng phục hồi nhưng sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021. Tuy vậy, ít có khả năng giá thép tăng mạnh.

Cùng với đó, nhu cầu yếu ở Việt Nam cũng có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong việc tăng giá lên mức tương đương với giá trong khu vực.

Với đà phục hồi của Trung Quốc hay sự nổi lên của thị trường Ấn Độ, ngành thép Việt Nam trong năm 2023 được dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, việc thị trường bất động sản bỏ ngỏ khả năng sôi động trở lại hay chuyên giải ngân vốn đầu tư công cũng khó có thể giúp ngành thép khởi sắc trong một sớm một chiều.

Trên cơ sở đánh giá tác động và sự thận trọng cần thiết, Tập đoàn Hòa Phát đạt kế hoạch doanh thu 2023 đạt 150.000 tỷ đồng trong khi lợi nhuận đi ngang ở mức 8.000 tỷ.

Thương mại SMC cũng đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu 20.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mức 150 tỷ đồng.

KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại

Thép Tiến Lên chốt kế hoạch doanh thu năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng - giảm 324 tỷ so với thực hiện trong năm 2022; lợi nhuận sau thuế phấn đấu mức 100 tỷ đồng so với chỉ 8 tỷ đồng của cùng kỳ.

Với Nam Kim, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 400 tỷ đồng và doanh thu 20.000 tỷ.

Không cùng niên vụ tài chính như các doanh nghiệp ngành, Tập đoàn Hoa Sen lên kế hoạch doanh thu 36.000 tỷ đồng cùng chỉ tiêu lợi nhuận ròng vỏn vẹn 300 tỷ - tiếp tục ở mức thấp điểm so với các năm 2020 - 2021.

Cổ đông nhiều doanh nghiệp thép có lẽ sẽ phải trải qua một mùa đầu tư thiếu vắng mùi vị cổ tức. Hơn thế, hàng vạn chứng sĩ cũng cần thêm thời gian để được hưởng trái ngọt cổ phiếu thép (sau nhịp hồi giữa tháng 11/2022).

Gần 400 tỷ đồng lãi ròng quý 1/2023 có giúp cổ phiếu HPG (Hòa Phát) bứt khỏi mốc 21.000 đồng?

Bài thuộc chủ đề Sắt thép
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kqkd-nhom-thep-quy-12023-nhung-khoan-lo-voi-dan-ton-kho-tang-tro-lai-180331.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
KQKD nhóm thép quý 1/2023: Những khoản lỗ vơi dần, tồn kho tăng trở lại
POWERED BY ONECMS & INTECH