Kỹ sư trẻ mong Thủ tướng có giải pháp giảm giá nhà để sớm trở về nước
Một kỹ sư trẻ làm việc ở Saudi Arabia mong Thủ tướng có giải pháp để có thể mua nhà ở Việt Nam một cách nhanh chóng, sớm trở về nước, vì “chúng cháu nhớ quê, nhớ nhà rất nhiều”.
Tối ngày 29/10, giờ địa phương, nhân dịp dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc tại Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dành thời gian gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các kỹ sư làm việc tại đây.
Kỹ sư làm việc ở Saudi Arabia lương 8.000 – 16.000 USD
Báo cáo với Thủ tướng, Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết, thời gian gần đây lao động Việt Nam tại Saudi Arabia ngày càng có tay nghề. Trong cuộc gặp mặt có hơn 20 người đại diện cho nhóm kỹ sư Việt Nam làm việc tại Công ty sản xuất xe điện Ceer tại Riyadh (thương hiệu xe điện đầu tiên của Saudi Arabia) và văn phòng đại diện của FPT.
Một số kỹ sư làm việc tại các công ty xây dựng, dầu khí ở xa nên không thể về dự cuộc gặp.
Nhóm kỹ sư làm việc tại Ceer đều là những người có trình độ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ tham gia vào các khâu quan trọng nhất như thiết kế, thử nghiệm, quản lý chất lượng, quản lý nhà cung cấp, quản lý dự án và mua hàng. Mức thu nhập của họ từ 8.000 – 16.000 USD/tháng và nhiều hỗ trợ khác.
"Trong thời gian tới, khi các mẫu thử nghiệm được lắp ráp, nhà máy đi vào hoạt động hy vọng số anh chị em người Việt Nam tham gia ngày càng tăng", Đại sứ nói.
Mỗi người Việt Nam khi xa quê đều đau đáu nghĩ về đất nước
Kỹ sư Hoàng Thái Ngọc mong muốn Bộ Công thương và các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đưa nông sản và các mặt hàng đặc thù của Việt Nam như bún, phở khô, nước mắm xuất khẩu vào Saudi Arabia. Điều này vừa giúp phát triển kinh tế nước nhà, vừa hỗ trợ để nâng cao chất lượng đời sống của bà con người Việt tại đây.
Ngoài ra, chị Ngọc cũng kiến nghị Thủ tướng quan tâm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đưa nhiều người Việt có trình độ cao làm việc tại Saudi Arabia, nhất là sắp tới, công ty Ceer đi vào sản xuất hàng loạt, cần rất nhiều lao động có trình độ và tay nghề cao.
Vợ của một kỹ sư kể trải nghiệm sau hơn 1 năm sống tại Saudi Arabia đã phát hiện ra điều thú vị. Đó là khi nhắc đến Việt Nam có 2 nhóm người có ý kiến khác nhau. Một nhóm phần lớn khi nhắc đến Việt Nam dường như không biết gì nhưng nhóm thứ 2 lại biết và rất yêu quý Việt Nam qua quá khứ hào hùng, qua mạng xã hội, du lịch.
“Gia đình tôi có gặp một người Saudi Arabia học ở Mỹ về và biết đến Việt Nam qua món phở và rất thích món ăn này nhưng đi cả Thủ đô Riyadh không tìm thấy một quán Việt nào”, chị kể.
Chị cũng cho hay, một người Saudi Arabia khác sau khi qua Việt Nam thì rất thích cà phê và mong muốn mở một chuỗi cà phê Việt Nam ở Saudi Arabia.
“Tôi cảm thấy tự hào khi là công dân Việt Nam, là một trong những nước được đánh giá phát triển nhanh ở Đông Nam Á, là điểm đến du lịch với những di sản nổi tiếng, nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực. Tôi mong niềm tự hào này lan tỏa nhiều hơn nữa đến Saudi Arabia và thế giới”, chị nói.
Một kỹ sư khác thì chia sẻ, mỗi người Việt Nam khi xa quê đều đau đáu nghĩ về đất nước nên mong Thủ tướng có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam lao động ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước của mình.
Anh cũng bày tỏ tâm tư khi nhiều nơi trong nước vẫn còn phân biệt đối xử giữa kỹ sư nội và kỹ sư ngoại. Cũng vì thế mà nhiều kỹ sư Việt Nam phải đi qua nước ngoài xa xôi để làm việc. Anh mong Thủ tướng có chính sách để tạo sự công bằng.
Anh chia sẻ rất chân tình “đi làm là để kiếm tiền” và mong muốn mua nhà nhưng giá nhà ở Việt Nam hiện tại rất cao. Mong Thủ tướng có giải pháp điều chỉnh giá nhà để có thể mua nhà ở Việt Nam một cách nhanh hơn, sớm trở về nước, vì “chúng cháu nhớ quê, nhớ nhà rất nhiều”.
Nghiên cứu triển khai đường bay thẳng tới Saudi Arabia
Cảm ơn các kỹ sư trẻ dù tối muộn vẫn dành thời gian đến cuộc gặp gỡ, Thủ tướng chia sẻ và bày tỏ xúc động trước những lời nói chân tình, những trăn trở, suy nghĩ, lo toan của các kỹ sư tại đây.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam và Saudi Arabia sẽ tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị, trao đổi đoàn các cấp, đang hướng tới nâng tầm quan hệ, đàm phán hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư.
Từ đó đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, hợp tác lao động và hợp tác trong các lĩnh vực như khai thác, chế biến dầu khí, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, sản phẩm Halal. Những điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam làm việc tại Saudi Arabia.
Trả lời về kiến nghị của bà con, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không nghiên cứu triển khai đường bay thẳng tới khu vực này để tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu giữa hai nước.
Về việc quảng bá ẩm thực Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao xem nghiên cứu hỗ trợ đào tạo bài bản đưa người qua mở nhà hàng và có định hướng phát triển ở khu vực này. Đồng thời cũng cần quan tâm phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam nhiều hơn nữa.
Thủ tướng cũng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước không phân biệt kỹ sư trong nước hay nước ngoài, mọi người đều bình đẳng, tôn trọng quyền con người.
Về giá nhà, Thủ tướng cho biết, đây cũng là một bài toán đặt ra. Khoảng 10 năm qua khi thị trường bất động sản có một số vấn đề như chưa đẩy mạnh nhà ở xã hội, chưa có chính sách mua và thuê mua để có chỗ ở cho người thu nhập thấp và sinh viên mới ra trường.
Luật Nhà ở mới đây đã đưa ra chính sách này và hiện Chính phủ cũng đã chỉ đạo tích cực xây dựng nhà ở xã hội. Hy vọng một vài năm tới, vấn đề nhà ở sẽ có những bước tiến triển.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết trong chuyến thăm lần này, ông sẽ đề nghị phía bạn tiếp tục tạo thuận lợi cho bà con tiếp tục sinh sống, học tập, làm việc thuận lợi, ổn định, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con.
>> Tạo đột phá trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông
'Thử tưởng tượng điều gì xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút?'
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công tác tại Ả-rập Xê-út