Nhịp sống

Kỳ tích y học: Việt Nam ghép thành công trái tim của bệnh nhân 65 tuổi cứu sống người đàn ông tiên lượng tử vong cao

Manh Lan 31/07/2024 - 09:26

Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim thứ 12, đồng thời là ca ghép tim xuyên Việt thứ 11 của bệnh viện.

Ngày 30/7, Bệnh viện Trung ương Huế thông báo sức khỏe của bệnh nhân P.T.T. (43 tuổi, Quảng Nam) đang dần hồi phục sau ca ghép tim diễn ra vào ngày 18/7. Đây là một ca ghép phức tạp vì người hiến tim đã 65 tuổi, và người nhận tim từng thay van động mạch chủ.

Vận chuyển tim về Huế để ghép cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC/Báo Người Lao Động

Vận chuyển tim về Huế để ghép cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC/Báo Người Lao Động

Ngày 17/7, đội ngũ y bác sĩ từ Bệnh viện Trung ương Huế đã đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để nhận trái tim hiến tặng từ một nữ bệnh nhân 65 tuổi qua Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Do tuổi tác và cân nặng của người hiến, việc lựa chọn người nhận tim gặp nhiều khó khăn và chỉ ưu tiên cho các trường hợp khẩn cấp hoặc bệnh nhân suy tim nặng giai đoạn cuối.

Bệnh nhân P.T.T. tại Bệnh viện Trung ương Huế được xác định là phù hợp nhất. Anh mắc bệnh suy tim rất nặng, đáp ứng kém với điều trị nội khoa, chức năng tim chỉ còn 14%, tiên lượng tử vong cao. Sau khi được tư vấn về các nguy cơ liên quan đến việc nhận tim từ người hiến lớn tuổi, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý tiếp nhận.

Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân T. Ảnh: BVCC/Báo Người Lao Động

Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân T. Ảnh: BVCC/Báo Người Lao Động

Việc nhận tạng từ người hiến trên 55 tuổi đòi hỏi thời gian thiếu máu lạnh dưới 4 giờ. Do đó, các bác sĩ phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thời gian vận chuyển tim về Huế nhanh nhất có thể.

Bệnh nhân T. từng phẫu thuật thay van động mạch chủ cách đây 9 năm, điều này khiến việc gỡ dính toàn bộ tim và các mạch máu lớn gặp nhiều khó khăn và nguy cơ chảy máu cao. Sau 4 giờ 52 phút kể từ khi nhận tim, trái tim đã đập lại trong lồng ngực bệnh nhân vào lúc 23 giờ ngày 18/7.

Bệnh nhân T. sức khỏe đã dần hồi phục sau thời gian được ghép tim. Ảnh: Chụp màn hình/Báo Người Lao Động

Bệnh nhân T. sức khỏe đã dần hồi phục sau thời gian được ghép tim. Ảnh: Chụp màn hình/Báo Người Lao Động

Việc cai tuần hoàn ngoài cơ thể sau ghép gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ của bóng đối xung động mạch chủ (IABP) và oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Sau 6 ngày chăm sóc và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã giảm dần các thuốc trợ tim vận mạch, ngưng thở máy, cai ECMO và IABP, với các chỉ số huyết động và chức năng tim ổn định (EF 60%, TAPSE 20).

Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công hơn 2.000 ca ghép mô, tạng và tế bào gốc, góp phần cứu sống nhiều cuộc đời. Trường hợp của bệnh nhân T. là minh chứng cho sự nỗ lực và chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ trong việc cứu sống người bệnh.

>> Kỳ tích y học Việt Nam: Điều trị thành công căn bệnh hiếm gặp chỉ có 10 ca trên thế giới

Ông lão 110 tuổi có trí nhớ như người trẻ nhờ bí quyết nắm tay vợ đi bộ mỗi ngày 5km, tặng lại ‘siêu não’ cho y học khi qua đời

Vị Giáo sư từng là Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á, trở thành Hiệu trưởng Trường Y sĩ Việt Nam khi mới 30 tuổi, được mệnh danh là lão thần trụ cột của nền y học Việt Nam

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ky-tich-y-hoc-viet-nam-ghep-thanh-cong-trai-tim-cua-benh-nhan-65-tuoi-cuu-song-nguoi-dan-ong-tien-luong-tu-vong-cao-d129118.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kỳ tích y học: Việt Nam ghép thành công trái tim của bệnh nhân 65 tuổi cứu sống người đàn ông tiên lượng tử vong cao
    POWERED BY ONECMS & INTECH