Kỳ vĩ đường ống dẫn nước 2.000m được ví như "đường lên trời" ở đèo Ngoạn Mục
Đây là một nhà máy có lịch sử lâu đời ở Việt Nam được xây dựng với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản.
Đèo Ngoạn Mục là một điểm du lịch nổi tiếng, được coi là con đường được hình thành trong vất vả, giữa lam sơn chướng khí và sự rình rập của thú dữ cùng những toán lục lâm thảo khấu. Đèo dài 18,5 km, có độ dốc trung bình trên 9 độ. Do vậy đây cũng là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, đối với những ai yêu thích khám phá và chinh phục, đèo Ngoạn Mục luôn là điểm đến đầy thu hút. Thế nhưng cung đường này lại thường bị nhầm lẫn với đường ống dẫn nước của nhà máy thủy điện Đa Nhim.
Đèo Ngoạn mục. Ảnh: Internet
Đường ống dẫn nước cho Thuỷ điện Đa Nhim bị hiểu nhầm là đường đèo Ngoạn Mục. Ảnh Internet
Khi đứng trên đèo Ngoạn Mục, toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Đa Nhim sẽ được thu vào tầm mắt một cách đầy đủ nhất. Nhà máy thủy điện Đa Nhim là một công trình thủy điện của Việt Nam được xây dựng trên sông Đa Nhim. Đây là công trình thủy điện đầu tiên, nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai, nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Điều đặc biệt ở nhà máy này là đường ống khổng lồ dài hơn 2.000m trải dài theo ngọn núi. Cụ thể, tuyến đường ống thủy áp Nhà máy thủy điện Đa Nhim chạy song song dài 2.340m, đường kính đỉnh ống là 2,2m, cuối ống là 0,9m, được lắp đặt trên núi với độ nghiêng từ 20 độ đến 45 độ. Với nhiệm vụ đưa nước từ hồ Đa Nhim về đến nhà máy thủy điện ở chân đèo Sông Pha. Đường ống khổng lồ này khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng đấy là đường đèo Ngoạn mục dẫn đến Đà Lạt. Nhìn từ xa, hai đường ống song song tựa như một con rắn khổng lồ, được dãy núi ôm trọn. Đây là khung cảnh hùng vĩ được kết hợp kì công giữa bàn tay con người và núi rừng tự nhiên khiến ai nhìn thấy đều thốt lên trầm trồ.
1 góc nhà máy thuỷ điện Đa Nhim. Ảnh: Internet
Được biết, công trình nhà máy được khởi công từ ngày 1/4/1961 và hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 1964. Sử dụng nguồn vốn 39 triệu USD được cung cấp từ quỹ bồi thường chiến tranh của Chính phủ Nhật Bản và một phần từ nguồn vốn vay khoảng 9 triệu USD, bao gồm cả chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị cho Nhà máy Đa Nhim, đường dây truyền tải 230 kV và trạm Sài Gòn.
Thuỷ điện Đa Nhim có hồ chứa với lưu vực rộng 775km2 nhận nguồn nước từ sông Đa Nhim và sông Kronglet trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai, cửa nhận nước, đường hầm áp lực thuộc tỉnh Lâm Đồng còn đường ống áp lực, trạm phân phối và tòa nhà năng lượng thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Hàng năm, thủy điện Đa Nhim cung cấp cho lưới điện Quốc gia khoảng 1 tỷ kWh. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ thâm canh nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 16.000ha.
1 góc nhà máy Thuỷ điện Đa Nhim và đường ống dẫn nước khổng lồ . Ảnh: Internet
Nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất lắp đặt ban đầu là 160MW, gồm 04 tổ máy trục ngang. Với độ cao cột áp 800m, nhà máy thủy điện Đa Nhim có suất tiêu hao nước rất thấp khoảng 0,55m3 /kWh.
Đến năm 2015, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã khởi công Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có quy mô 01 tổ máy lắp mới với công suất thiết kế 80MW, sau khi hoàn thành đã nâng tổng công suất của Nhà máy Đa Nhim từ 160MW lên 240MW. Tổng mức đầu tư của dự án trên 1.952 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi làm chủ đầu tư.
Đường ống bắc qua núi của thủy điện Đa Nhim. Ảnh Internet
Được biết, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tiền thân chính là Nhà máy thủy điện Đa Nhim.