M&A là một trong những cách thức để doanh nghiệp "lớn nhanh". Tuy nhiên, việc thực hành sai sách lược, chiến lược có thể khiến doanh nghiệp chịu hậu quả ngay lập tức.
Hàng trăm doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2024. Bên cạnh các vấn đề về kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, kiện toàn nhân sự... cổ đông doanh nghiệp cũng dành sự quan tâm cho các sách lược/chiến lược liên quan đến mở rộng quy mô doanh nghiệp thông qua mua bán, sáp nhập (M&A).
Chưa tìm được "đối tượng" M&A thích hợp
Tại ĐHCĐ PAN Group (PAN) ngày 26/4, khi được hỏi về kế hoạch M&A trong năm 2024, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng bày tỏ: "M&A để làm gì là câu hỏi đầu tiên. Hướng đi của PAN Group là cần tìm doanh nghiệp thích ứng được. Chúng tôi hiện chưa nhìn thấy. Bất kỳ doanh nghiệp nào gia nhập hệ sinh thái PAN phải mang được những giá trị về thương hiệu, tài chính. Nếu có, chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông".
>> ĐHCĐ PAN Group: 'Cả thế giới vẫn tiếp tục ăn bánh kẹo... chúng ta hãy bắt đầu từ mức cổ tức 5%'
Tại ĐHCĐ Đầu tư Nam Long (NLG) ngày 20/4, ông Văn Viết Sơn - Giám đốc điều hành Nam Long Land cho biết: "Quỹ đất của Nam Long hiện nay là 681ha, đủ để phát triển cho đến năm 2030. Tuy nhiên, theo chiến lược dài hạn và đặc biệt trong năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh M&A phát triển quỹ đất theo định hướng dòng sản phẩm của Nam Long".
Theo ông Sơn, trong giai đoạn 2024-2025, NLG đẩy mạnh affordable nên tập trung quỹ đất cho sản phẩm này, trong đó EHome là thế mạnh.
"Mặt khác, Nam Long đang tiến tới nhà phát triển bất động sản tích hợp thông qua Nam Long Land, Nam Long Commercial Property, chúng tôi tìm kiếm quỹ đất để phát triển khu đô thị tích hợp có tất cả tiện ích tối thiểu", vị lãnh đạo chia sẻ.
Tại ĐHCĐ Sabeco (SAB) ngày 25/4, trả lời cổ đông về câu hỏi công ty có kế hoạch M&A năm nay 2024, Tổng Giám đốc Lester Tan Teck Chuan cho biết: "Chúng tôi luôn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội M&A. Đây cũng là cơ hội để tìm hiểu thêm về nội tại công ty, về khả năng tăng trưởng và phát triển. Riêng với thị trường Việt Nam, tôi đánh giá có một số cơ hội khá hứa hẹn. Nếu như có mức giá hợp lý, chúng tôi sẽ luôn cân nhắc và xem xét".
Cùng câu hỏi, ông Danny Le - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan (MSN) chia sẻ tại ĐHCĐ ngày 25/4: "Có nhiều cổ đông quan tâm về việc tiền mặt lớn có ý định M&A không. Hiện tập đoàn không có kế hoạch nào mua thêm công ty khác. Mục tiêu lớn nhất là Go Global để đưa các thương hiệu ra toàn cầu.
Masan Group hiện nay tập trung vào chiến lược đưa MCH trở thành công ty tiêu dùng hàng đầu Đông Nam Á, mục tiêu WCM sẽ sinh lãi tốt hơn và Phúc Long có EBITDA 25%".
Có nhiều cổ đông quan tâm về việc tiền mặt lớn có ý định M&A không. Hiện tập đoàn không có kế hoạch nào mua thêm công ty khác
Ông Danny Le - Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan
Tại ĐHCĐ Digiworld (DGW) ngày 25/4, khi cổ đông hỏi: "Năm 2024, DGW có những thương vụ M&A nào mới không? Công ty Achison mà DGW đã M&A có kế hoạch kinh doanh như thế nào trong năm 2024? Nguồn khách hàng mới từ hệ thống khách hàng Achison như DGW hy vọng có khả thi không?", Chủ tịch Đoàn Hồng Việt chia sẻ: "M&A là định hướng phát triển quan trọng cho DGW, chúng tôi đã có được công thức thành công cho M&A - đó là cung cấp cho những công ty mục tiêu mà chúng tôi mua một nền tảng backend vững chắc, giúp cho họ hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, tối ưu hóa".
Achison là một ví dụ cho chiến lược M&A. Sau khi mua đã cấu trúc giúp cho chi phí của họ giảm xuống và năm nay mục tiêu doanh thu mục tiêu tăng trưởng hơn 50%, đạt 1.000 tỷ đồng.
Chúng tôi luôn có danh sách các deal về M&A, nghiên cứu và đặt mục tiêu sẽ có 2-3 deal/năm về M&A. Việc M&A giúp cho DGW tiến nhanh hơn và tận dụng được thế mạnh của DGW về sự hiểu biết thị trường, chuyên nghiệp, nền tảng backend vững chắc".
Ngày 23/4, chia sẻ tại ĐHCĐ Thaiholdings (THD), lãnh đạo công ty cho biết Thaiholdings sẽ không trở thành một tập đoàn đa ngành mà chỉ tập trung vào phát triển 2 ngành nghề hiện đang có thế mạnh là đầu tư tài chính và bất động sản.
Định hướng trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án bất động sản tiềm năng để M&A. Đây là những dự án đảm bảo yếu tố pháp lý, tuân thủ quy định của pháp luật, chi phí đầu tư ban đầu phù hợp.
Trước đó, tại ĐHCĐ Cơ điện lạnh (REE) ngày 29/3, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, doanh nghiệp sẽ thoái vốn mảng nhiệt điện tại thời điểm hợp lý nhất.
Đối với mảng thuỷ điện, để tăng công suất thuỷ điện, REE chỉ có cách mua lại các nhà máy có sẵn do hiện tại đã không còn vị trí để quy hoạch thuỷ điện. Vị "nữ tướng" nhấn mạnh, hiện thị trường thuỷ điện còn rất nhiều cơ hội để REE thực hiện M&A.
"Lác đác" kế hoạch M&A ở nhóm ngân hàng
ĐHCĐ MSB cũng không ghi nhận tờ trình hay thông tin nào về kế hoạch M&A đối với ngân hàng khác. Tại Đại hội năm 2023, HĐQT ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, tờ trình này sau đó không được cổ đông thông qua.
Trong các ngân hàng thương mại cổ phần đã tổ chức ĐHCĐ từ cuối tháng 3/2024 đến nay, cũng ít ngân hàng công bố kế hoạch M&A hoặc chào bán riêng lẻ cho đối tác nước ngoài.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB chia sẻ, ngân hàng đã quan sát một vài đơn vị có thể có khả năng M&A. Tuy nhiên, sau khi quan sát xong thấy vẫn cần duy trì phát triển nội tại để không bị chệch hướng so với mong muốn của cổ đông. Do đó, ACB không có kế hoạch M&A trong năm nay. Ngay cả công ty con là ACBS, dù có nhiều đối tác tìm tới song do không nhìn thấy cơ hội hợp tác nên ACB cũng quyết định tự tăng vốn để phát triển.
ABBank cũng không đề cập kế hoạch M&A hay chào bán riêng lẻ cho nước ngoài. Tuy vậy, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT thừa nhận, để đạt mục tiêu vốn hóa 3 tỷ USD trong tương lai, ABBank sẽ cần cú hích như M&A, có cổ đông mới hoặc niêm yết.
Tại ĐHCĐ MBBank (MBB), ban lãnh đạo nhà băng úp mở về việc có thể nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, một số ngân hàng như Vietcombank (VCB) hay BIDV (BID) tiếp tục bàn lại kế hoạch M&A (bán vốn tỷ USD) từ mùa Đại hội năm 2023. Do đó, chưa rõ lộ trình M&A đang tiến hành đến đâu.
Năm 2023, Vietcombank đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến hoàn tất thương vụ trong năm 2023 - 2024. Kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần đã được Vietcombank đưa ra từ năm 2019 song vẫn chưa thể hoàn tất. Trong đó, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng này mới ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo nguồn tin của Bloomberg, tới đầu năm nay, Vietcombank lựa chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ. Đợt chào bán vốn có thể diễn ra trong nửa cuối năm 2024, dự kiến thu về khoảng 1 tỷ USD (tương đương 25.000 tỷ đồng).
Hay như BIDV cũng đã thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện chào bán thêm cổ phiếu tại phương án tăng vốn điều lệ năm 2023. Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông đã quyết định lùi thời gian thực hiện phương án tăng vốn sang năm 2024.
Tương tự, theo kế hoạch tăng vốn năm 2023, BIDV còn kế hoạch phát hành thêm 455 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng, hoặc chào bán riêng lẻ. Ngân hàng chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và đến nay chưa thực hiện thành công. Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú từng cho biết, ngân hàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này và hiện có một số nhà đầu tư tiềm năng quan tâm.
>> Chuyện ĐHCĐ 2024: Lãnh đạo MWG, HSG, BCG, NLG, MCH chia sẻ kế hoạch IPO các công ty con
ĐHCĐ 2024 nhóm bất động sản: Lãnh đạo Novaland, Phát Đạt, DIC Corp, Hải Phát... nói gì?
ĐHCĐ của Thép SMC: Mục tiêu xóa hết nợ xấu hơn 700 tỷ với Novaland (NVL) trong năm 2024