Lãi suất FED - “bức màn sắt” của kinh tế Mỹ
FED, lãi suất và đồng USD được ví như "cây đinh ba" của Mỹ, không chỉ được dùng để chống lạm phát mà còn đẩy bất lợi cho đối thủ lớn nhất của họ.
Tại Hội nghị về chính sách tiền tệ Jackson Hole (Wyoming) tháng 8/2022, hàng loạt kinh tế gia và chuyên gia tài chính hàng đầu phương Tây lúc ấy đứng trước hai lựa chọn: để lạm phát tàn phá hoặc thắt chặt tiền tệ.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Jerome Powell chỉ phát biểu 8 phút, không nói sâu và rộng về những vấn đề liên quan như thường lệ. Chốt lại, FED chọn phương án làm mọi cách kéo lùi lạm phát, chấp nhận suy thoái.
Tính từ Hội nghị Jackson Hole gần nhất đến tháng 7/2023, FED tăng lãi suất liên tục tăng lãi suất và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cùng với quãng thời gian này, lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống 3%, tức là chỉ bằng khoảng 1/3 so với thời điểm tháng 8/2022. Tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn còn cao hơn khá nhiều so với lạm phát mục tiêu của FED là 2%.
Qua công cụ lãi suất với đồng tiền mạnh nhất thế giới, càng thấy rõ hơn quyền lực vô song của FED, gây ra áp lực tiền tệ rất căng thẳng với hàng trăm ngân hàng TW; trực tiếp gây ra bầu không khí kinh tế u ám.
Bởi vì, không một chuyên gia nào có thể rạch ròi hai vấn đề trong nền kinh tế: Lạm phát, suy thoái do nguyên nhân nội tại và do bị chi phối từ “đồng bạc xanh” - nói đúng hơn là xuất khẩu lạm phát từ Mỹ ra toàn cầu.
Trên thực tế, FED không chỉ muốn kiềm chế lạm phát mà còn o bế dòng tiền đầu tư từ Mỹ, việc giữ lại dòng vốn càng lâu và càng nhiều ở thời điểm hiện tại giúp kinh tế Mỹ trụ vững hơn.
Bằng chứng là dòng tiền khổng lồ từ châu Á, châu Âu rút về “cố quốc”, giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh bất chấp lãi suất cao kỷ lục. Hiện nay, lãi suất cao đang có lợi nhiều hơn cho nền kinh tế số 1 thế giới.
Lý do đơn giản: Khi FED không còn muốn bơm tiền ra thị trường không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không cần vốn, cái chính là tổ chức này muốn người dân và doanh nghiệp sử dụng lượng tiền tồn đọng đã phát hành ồ ạt trước đó.
Với phần còn lại của thế giới, đô la Mỹ ngày càng khan hiếm, các quốc gia không dám mạo hiểm giải ngân dự trữ quốc gia để thanh toán quốc tế. Vậy nên tất cả đều được muốn giao thương buôn bán với Mỹ, hàng hóa cấp tập đổ về Mỹ giúp thị trường này có vô số sự lựa chọn, giá rẻ.
Hàng chục năm nay vẫn thế, không gì khác! Nhưng hiện nay, đồng USD, hệ thống thanh toán toàn cầu do Mỹ đứng đầu bị cạnh tranh ra mặt bởi Trung Quốc và những đối tác trong nhóm BRICS.
Cảnh báo suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới
Nhiều dấu hiệu đã 'nhấp nháy đỏ', chuyên gia cảnh báo Fed không nên hạ lãi suất vào tháng 12