Tài chính Ngân hàng

Lãi suất huy động 'trên đà' giảm sau chỉ đạo của Thủ tướng, tỷ giá vẫn neo ở mức cao dù đồng USD suy giảm mạnh mẽ

Lâm Anh 14/04/2025 - 22:50

Báo cáo chứng khoán MBS cho thấy, thị trường tiền tệ trong nước tháng 3 chứng kiến nhiều biến động đáng chú ý.

Báo cáo chứng khoán MBS cho thấy, thị trường tiền tệ trong nước tháng 3 chứng kiến nhiều biến động đáng chú ý với mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm ở cả thị trường liên ngân hàng lẫn huy động, nhờ loạt động thái điều hành linh hoạt từ Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND dù chịu sức ép từ đà suy yếu mạnh của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế, vẫn duy trì ở mức cao do áp lực cầu ngoại tệ trong nước gia tăng.

Lãi suất liên ngân hàng dao động vùng 3,2-4,6% trong tháng 3

Trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành gần 2.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với lãi suất từ 3,1-3,2%, sau đó tạm dừng hoạt động trên kênh này kể từ ngày 5/3. Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều tháng, NHNN đã tái sử dụng các hợp đồng OMO kỳ hạn dài 28, 35 và 91 ngày, cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, NHNN đã bơm khoảng 253.500 tỷ đồng thông qua kênh OMO với lãi suất 4%, kỳ hạn từ 7 đến 91 ngày. Tính chung cả tháng, lượng vốn bơm ròng vào hệ thống đạt khoảng 30.900 tỷ đồng.

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong tháng 3 tương đối ổn định, chủ yếu dao động quanh mức 4-4,6%. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp bơm ròng của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể, giảm từ mức 4,6% vào cuối tháng 2 xuống còn 3,2% vào ngày 28/3. Tính đến cuối tháng, lãi suất qua đêm trở lại mức 4,6%, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng duy trì quanh ngưỡng 4,7%.

Lãi suất huy động đang trên đà giảm

Sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng vào cuối tháng 2, mặt bằng lãi suất huy động đã hạ nhiệt rõ rệt, với 25 ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức giảm dao động từ 0,1-1,05 điểm %.

Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn bình quân giảm khoảng 0,07 điểm % so với cuối tháng 2, trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên ở mức 4,7%. Ở nhóm NHTM tư nhân, lãi suất kỳ hạn ngắn cũng giảm khoảng 0,07 điểm phần trăm, còn lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,09 điểm %, về mức bình quân 4,96%.

Việc hạ lãi suất huy động đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), lãi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 0,6 điểm % trong quý I năm nay.

Chỉ số DXY chạm đáy 5 tháng trước những lo ngại về triển vọng kinh tế

Đồng USD tiếp tục suy yếu trong bối cảnh gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế do những bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan. Trong suốt tháng 3, chỉ số DXY duy trì đà giảm mạnh và đã rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, chạm mốc 103,2 vào ngày 18/3.

Sự suy yếu này phản ánh rõ những dấu hiệu bất ổn trong nền kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%, trong khi lĩnh vực sản xuất vẫn phục hồi chậm với chỉ số PMI của ISM giảm xuống còn 49 trong tháng 3, cho thấy ngành sản xuất vẫn trong vùng suy giảm. Dù tiêu dùng nội địa nhìn chung vẫn ổn định trong tháng 2, người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn do lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại và áp lực lạm phát.

Trước bối cảnh đó, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành trong biên độ 4,25-4,5%. Đồng thời, cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng dự báo lạm phát cho năm 2025. Cụ thể, tăng trưởng GDP được dự báo chỉ đạt 1,7%, trong khi lạm phát lõi dự kiến tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Bất chấp triển vọng kinh tế ảm đạm, Tổng thống Trump tiếp tục gia tăng căng thẳng địa chính trị với loạt động thái áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như mức thuế 25% áp lên tất cả các loại ô tô và phụ tùng nhập khẩu. Đáp lại, một số quốc gia như Trung Quốc và Canada đã triển khai các biện pháp trả đũa, khiến căng thẳng thương mại thêm phần leo thang.

Trong bối cảnh này, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn năm do lo ngại về các chính sách thuế quan. Kết quả là đồng USD đã giảm 3,3% trong tháng, khép lại tháng 3 ở mức 104,1 điểm.

Tỷ giá vẫn neo ở mức cao dù đồng USD suy giảm mạnh mẽ

Mặc dù đồng USD suy yếu mạnh, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn duy trì ở ngưỡng cao quanh vùng 25,480-25,600 VND/USD trong tháng 3. Việc tỷ giá neo ở mức cao một phần được cho là do chịu áp lực đáng kể từ nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng.

Trong tháng 3, Kho bạc Nhà nước đã có 3 đợt chào mua USD từ các NHTM với tổng trị giá lên đến 730 triệu USD, qua đó cũng đã phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt và gây thêm áp lực lên tỷ giá.

Theo đó, tỷ giá liên ngân hàng gần như không thay đổi so với tháng trước, kết thúc tháng 3 ở mức 25,563 VND/USD (tăng 0,4% so với đầu năm). Tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức 25,910 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24,837 VND/USD, tương ứng mức tăng lần lượt 0,6% và 2% so với đầu năm 2025

>> Ngân hàng Nhà nước giảm sâu tỷ giá trung tâm, giá USD tại ngân hàng vẫn ‘ngược dòng’ tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước giảm sâu tỷ giá trung tâm, giá USD tại ngân hàng vẫn ‘ngược dòng’ tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh tỷ giá USD sáng ngày 14/4

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lai-suat-huy-dong-tren-da-giam-sau-chi-dao-cua-thu-tuong-ty-gia-van-neo-o-muc-cao-du-dong-usd-suy-giam-manh-me-286682.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lãi suất huy động 'trên đà' giảm sau chỉ đạo của Thủ tướng, tỷ giá vẫn neo ở mức cao dù đồng USD suy giảm mạnh mẽ
    POWERED BY ONECMS & INTECH