Lâm Đồng lên kế hoạch nâng cấp loạt hạ tầng, hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất của vùng Tây Nguyên
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong quy hoạch, đưa địa phương trở thành một tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 29/12/2023. Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành một tỉnh có sự phát triển khá toàn diện, trong đó TP. Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ được xây dựng thành trung tâm du lịch chất lượng cao với tầm khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, mang bản sắc riêng, xanh, thông minh và đáng sống. Đây cũng là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Báo Lâm Đồng |
Theo báo Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống các quy hoạch cấp dưới, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Đặc biệt, đầu tư phát triển mạng lưới giao thông được xác định là ưu tiên hàng đầu.
Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư mạnh mẽ vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện nhằm kết nối hiệu quả giữa các địa bàn trong tỉnh và các vùng lân cận. Các tuyến giao thông huyết mạch cũng như các dự án phục vụ kết nối vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm sẽ được triển khai đồng bộ.
Những dự án trọng điểm có thể kể đến như tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (CT27), cao tốc Nha Trang - Liên Khương (CT25), cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột (CT26); các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 27, Quốc lộ 27C, Quốc lộ 55, Quốc lộ 55B, Quốc lộ 20; tuyến đường kết nối Cảng hàng không Liên Khương với cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, tuyến đường kết nối cảng cạn Đức Trọng, các tuyến đường tỉnh, tuyến vành đai đô thị Đà Lạt - Đức Trọng, và tuyến kết nối Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ.
>> BĐS tại tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên TP trực thuộc Trung ương đang chờ 'cú hích' mới
Cùng với hạ tầng giao thông, tỉnh cũng nâng cấp hạ tầng xã hội với việc đầu tư các dự án cấp điện; đầu tư phát triển mạnh hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, cấp thoát nước; ưu tiên đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đặc biệt của quốc gia trên địa bàn và các di tích của tỉnh...
Một đoạn trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ảnh: Tư liệu |
Về kế hoạch sử dụng đất, căn cứ vào Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tỉnh và các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Kế hoạch đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan, nhằm sử dụng đất hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm và bền vững.
Việc triển khai kế hoạch sử dụng đất còn hướng đến đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo động lực phát triển dài hạn cho tỉnh. Trường hợp có sự sai khác giữa chỉ tiêu sử dụng đất và khu vực định hướng quy hoạch đầu tư so với các quy hoạch trước đây, việc thực hiện sẽ tuân theo chỉ tiêu và định hướng của quy hoạch tỉnh.