Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một thủ đô đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nước
Theo tổ chức Mercy Corps, khoảng 80% nguồn nước ngầm ở Kabul, Afghanistan đã bị ô nhiễm, chủ yếu vì nước thải từ nhà vệ sinh ngấm xuống đất và chất thải công nghiệp không được xử lý đúng cách.
Khi mặt trời bắt đầu mọc trên những ngọn núi khô cằn bao quanh Kabul, thủ đô Afghanistan, một ngày mới đầy vất vả lại đến với hàng triệu người dân – bắt đầu bằng cuộc chiến quen thuộc: Tìm nước sạch để sống sót.
Tiếng xe chở nước vang lên từ xa là tín hiệu để Raheela – người mẹ 42 tuổi có bốn con vội lao ra đường với thùng và can nhựa thủng nhiều chỗ để kịp hứng lấy vài lít nước quý giá. “Chúng tôi không có nước uống. Thiếu nước là một vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống của gia đình tôi”, bà nói với CNN.

Kabul: Thủ đô đầu tiên có thể “khô” hoàn toàn
Theo một báo cáo mới của tổ chức từ thiện quốc tế Mercy Corps, Kabul đang tiến dần tới viễn cảnh trở thành thủ đô hiện đại đầu tiên cạn kiệt nước, với những hậu quả có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế và thảm họa nhân đạo toàn diện.
Nguyên nhân chính được chỉ ra là sự kết hợp đáng báo động giữa biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số mất kiểm soát và khai thác nước ngầm quá mức. Gần một nửa các giếng khoan của thành phố đã khô cạn. “Kabul mỗi năm khai thác hơn 44 triệu mét khối nước ngầm vượt mức tự nhiên có thể bổ sung”, Mercy Corps cảnh báo.
Gia đình Raheela – như hàng trăm ngàn hộ khác – phải trả tiền cho từng giọt nước, nhiều khi buộc phải hy sinh bữa ăn hoặc thuốc men để có nước uống và tắm rửa. “Chúng tôi thực sự lo lắng. Nếu trời không mưa thêm, tôi không biết chúng tôi sẽ sống sót thế nào”, bà nói.

Ahmad Yasin, 28 tuổi, sống cùng gia đình 10 người ở phía Bắc Kabul, từng phải xếp hàng nhiều giờ mỗi ngày tại nhà thờ Hồi giáo gần nhà để lấy nước. Sau nửa năm tiết kiệm, gia đình anh đào giếng sâu 120m với chi phí 550 USD, hy sinh cả bữa ăn hằng ngày để có nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, nước giếng không thể uống trực tiếp vì bị ô nhiễm. “Chúng tôi không đủ tiền mua máy lọc, nên phải đun sôi nước rất lâu rồi để nguội mới dám uống”, anh chia sẻ.
Theo tổ chức Mercy Corps, khoảng 80% nguồn nước ngầm ở Kabul đã bị ô nhiễm, chủ yếu vì nước thải từ nhà vệ sinh ngấm xuống đất và chất thải công nghiệp không được xử lý đúng cách.
Dịch bệnh, trẻ em nghỉ học

Người dân Kabul đang phải đối mặt với dịch tiêu chảy, nôn mửa thường xuyên do sử dụng nước bẩn – theo anh Sayed Hamed, một viên chức sống cùng cha mẹ già và ba con nhỏ tại quận Taimani. “Chúng tôi thường bị bệnh khi uống nước ở nhà người khác, trong quán ăn, hoặc thậm chí khi đánh răng bằng nước giếng”.
Không chỉ là vấn đề sức khỏe, cuộc khủng hoảng nước còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục. Nhiều trẻ em phải nghỉ học để đi lấy nước cho gia đình, gánh những thùng nước nặng qua quãng đường dốc dưới cái nắng thiêu đốt.
“Giờ học đã trở thành giờ đi lấy nước. Những chiến lược sống sót kiểu này đang khiến phụ nữ và trẻ em càng lún sâu hơn vào vòng xoáy đói nghèo”, bà Marianna Von Zahn, Giám đốc chương trình Mercy Corps tại Afghanistan nói.
Mercy Corps cho biết, trong tổng số 264 triệu USD cần thiết cho nước sạch và vệ sinh đến năm 2025, mới chỉ có khoảng 8 triệu USD được cấp phát – chưa đủ để đối phó với quy mô khủng hoảng.
Tham khảo CNN
>> Hàng loạt hộ gia đình thiếu nước sạch, chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới?