Làn sóng du khách Ấn Độ tràn ra thế giới: Đông Nam Á hưởng lợi nhiều nhất
Đằng sau "huyền thoại đô thị" về du khách Ấn Độ là một câu chuyện phức tạp, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong bức tranh kinh tế và văn hóa toàn cầu.
Trong vòng 10 năm qua, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đang gia tăng nhanh chóng, cùng với sự phát triển của các chuyến bay giá rẻ, đã thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu du lịch quốc tế, biến Ấn Độ thành một thị trường du lịch tiềm năng mới.
Trong khi Trung Quốc đang chững lại về số lượng khách du lịch nước ngoài, người Ấn Độ lại khao khát khám phá thế giới, với số lượt xuất ngoại dự kiến sẽ tăng từ 27 triệu lên đến 80-90 triệu vào năm 2040.
Điều này mang lại lợi ích lớn cho các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia và các nước Trung Đông, những nơi đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách để thu hút du khách Ấn Độ, như miễn thị thực và hợp tác với các ngôi sao Bollywood trong các chiến dịch quảng bá du lịch.
Hiện nay, khách du lịch Ấn Độ ngày càng ưa chuộng các điểm đến tại Đông Nam Á và Trung Đông thay vì Châu Âu. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là vấn đề về thị thực.
Hộ chiếu Ấn Độ được xếp vào loại yếu, chỉ cho phép nhập cảnh miễn thị thực hoặc tương đương vào 58 quốc gia, chủ yếu là các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Caribe, còn thấp hơn cả Cuba và Belarus.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Thái Lan quyết định bãi bỏ yêu cầu thị thực cho du khách Ấn Độ, điều hiếm khi áp dụng cho các nước ngoài phương Tây giàu có. Sự thay đổi này đã khiến lượng khách du lịch từ Ấn Độ đến Thái Lan tăng vọt.
Tương tự, Iran, Kenya và Sri Lanka cũng đã nới lỏng yêu cầu thị thực đối với du khách Ấn Độ, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lượng khách.
Trong khi đó, các quốc gia phương Tây lại tạo ra nhiều rào cản khiến người Ấn Độ cảm thấy không được chào đón. Thời gian chờ phỏng vấn xin thị thực du lịch Mỹ có thể kéo dài hơn một năm, còn phí thị thực của Anh bị xem là quá cao. Đối với khu vực Schengen của Châu Âu, việc xin thị thực đòi hỏi nhiều giấy tờ chứng minh tài chính và ý định quay trở lại, gây không ít khó khăn và phiền phức cho du khách.
Một chuyên gia du lịch tại Bangalore, Ấn Độ cho biết, quá trình xin thị thực vào châu Âu là một trải nghiệm đầy khó khăn và không chắc chắn. Điều này đã khiến ông và gia đình chọn Đông Nam Á làm điểm đến ưa thích. Số liệu cho thấy, năm ngoái, 19% đơn xin thị thực du lịch Anh của người Ấn Độ đã bị từ chối, con số này ở khu vực Schengen là 15%.
Theo thống kê từ Economist, người Ấn Độ có xu hướng lên kế hoạch du lịch vào phút chót, đặt vé chỉ khoảng 30 ngày trước khi khởi hành, điều này không đủ thời gian để xin thị thực vào Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Dù vẫn có lượng du khách Ấn Độ lớn đến Mỹ và Anh, chủ yếu để thăm bạn bè và gia đình, nhưng các vấn đề về thị thực đã khiến những điểm đến này kém hấp dẫn hơn cho mục đích nghỉ dưỡng. Đối với Châu Âu, tình hình còn tệ hơn, khi không có quốc gia nào trong khu vực Schengen nằm trong top 10 điểm đến của người Ấn Độ, ngoại trừ Pháp ở vị trí thứ bảy.
>> Du lịch bùng nổ, người dân 1 nước châu Âu phải sống trong lều vì giá thuê nhà quá cao
Yếu tố lớn thứ hai ảnh hưởng đến quyết định của người Ấn Độ là sự thuận tiện trong việc di chuyển. Số lượng các chuyến bay trực tiếp từ Ấn Độ đã tăng vọt, với 31 thành phố cung cấp các chuyến bay quốc tế đến 322 điểm đến, so với 23 thành phố và 272 điểm đến vào năm 2015. Các hãng hàng không giá rẻ như WizzAir của Châu Âu và VietJet của Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, mở rộng các tuyến bay thẳng đến nhiều thành phố tại Ấn Độ.
Một yếu tố quan trọng khác là chi phí. Người Ấn Độ thường có thói quen tiết kiệm, và các công ty du lịch đã đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp nhiều chương trình khuyến mãi và hợp tác với các ngân hàng để cung cấp tín dụng du lịch. Với mức giá ngày càng đắt đỏ ở Ấn Độ, nhiều điểm đến quốc tế như Thái Lan đang trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn so với Goa, một tiểu bang nổi tiếng của Ấn Độ.
Số lượng người Ấn Độ có khả năng chi tiêu cho du lịch đang tăng lên nhanh chóng. Theo ước tính, có khoảng 60 triệu người Ấn Độ hiện có thu nhập hộ gia đình trên 10.000 USD mỗi năm, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2027.
Tính đến nay, Nga là quốc gia Châu Âu duy nhất đang tích cực thu hút du khách Ấn Độ, với kế hoạch đàm phán về việc miễn thị thực song phương. Trong khi đó, các quốc gia khác như Kenya, Úc, và Ả Rập Xê Út cũng đang nỗ lực thu hút khách du lịch từ Ấn Độ.
Ngoài vấn đề về thị thực, chuyến bay và chi phí, việc thu hút du khách Ấn Độ còn liên quan đến cách thức quảng bá văn hóa của một quốc gia. Các quốc gia Trung Đông hứa hẹn trải nghiệm mua sắm và phiêu lưu, trong khi Thái Lan đang nỗ lực thu hút phụ nữ độc thân và các nhóm đám cưới tiêu xài cao.
Bollywood tiếp tục là một kênh quảng bá hiệu quả, với nhiều quốc gia cạnh tranh để trở thành địa điểm quay phim cho các bộ phim và chương trình truyền hình Ấn Độ.
Một số quốc gia giàu có có thể không cảm thấy tiếc nuối khi biết rằng người Ấn Độ không đến thăm họ. Tuy nhiên, hậu quả của việc từ chối một cường quốc đang trỗi dậy như Ấn Độ vượt xa các lợi ích kinh tế trước mắt. Du lịch không chỉ góp phần định hình văn hóa toàn cầu, mà còn tạo ra những kết nối cá nhân giữa các quốc gia. Những quốc gia đầu tư vào việc thu hút du khách Ấn Độ sẽ định hình bản đồ du lịch tương lai. Trong khi Đông Nam Á và Trung Đông đang thành công trong việc này, Mỹ và Châu Âu có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội.
Theo The Economist
>> Du lịch Tây Ban Nha: lợi ích kinh tế hay gánh nặng cho người dân?