Vượt Đức, Pháp, các quốc gia từng nợ ngập đầu bây giờ đang gánh tăng trưởng cho cả châu Âu
Những quốc gia mang tiếng xấu là “sao quả tạ” kéo tụt kinh tế của cả EU giờ đây có mức độ tăng trưởng vượt cả các cường quốc hàng đầu khu vực như Đức, Pháp.
Một điều phi thường đang xảy ra với nền kinh tế châu Âu: các nền kinh tế Nam Âu từng khiến khối đồng tiền chung euro đứng trên bờ vực tan rã trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2012 đang tăng trưởng nhanh hơn Đức và các nước lớn khác trong khu vực.
Động lực tăng trưởng này đang củng cố sức khỏe của nền kinh tế châu Âu và giữ cho khu vực đồng tiền chung không trượt quá xa. Vận mệnh đảo chiều, từ vị trí tụt hậu, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang dẫn đầu mức tăng trưởng vào năm 2023, nhanh hơn gấp đôi so với mức trung bình của khu vực đồng euro.
Các nước Nam Âu nằm bên bờ Địa Trung Hải: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý |
Chỉ hơn một thập kỷ trước, Nam Âu là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ công khu vực, gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong khối các quốc gia sử dụng đồng euro. Sau hơn một thập kỷ cố gắng phục hồi từ suy thoái kinh tế trong nước, áp dụng các chương trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt và dựa vào các gói cứu trợ quốc tế trị giá hàng tỷ USD, các quốc gia này đã cải thiện tình hình tài chính, thu hút các nhà đầu tư, phục hồi tăng trưởng và xuất khẩu, đồng thời đẩy lùi tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
Trong khi đó, kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đang phải vật lộn để thoát khỏi tình trạng suy thoái do giá năng lượng tăng vọt sau khi mất đi nhà cung cấp hàng đầu là Nga.
Ngày 12/6, dữ liệu mới từ Eurostat cho thấy sản lượng kinh tế của khối đồng tiền chung euro đã tăng 0,3% trong quý I/2024. Nền kinh tế khu vực đồng euro đã suy giảm 0,1% trong cả quý III và quý IV năm ngoái, khi tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp kỹ thuật giảm rõ rệt.
Đức, chiếm 1/4 nền kinh tế của EU, hầu như không tránh được suy thoái trong quý đầu tiên của năm 2024, với mức tăng trưởng chỉ 0,2%. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tăng trưởng gấp ba lần tốc độ đó, cho thấy hai xu hướng phát triển khác biệt hoàn toàn trong nền kinh tế châu Âu năm nay. Tờ Wall Street Journal đã gọi châu Âu là nền kinh tế “tăng trưởng với 2 tốc độ”.
Những nền kinh tế Nam Âu đã vươn lên như thế nào?
Thời kỳ khủng hoảng nợ công của Nam Âu đã tạo thành định kiến lên các quốc gia này: ‘vô trách nhiệm’, ‘lười biếng’, ‘kém hiệu quả’, chi tiêu vô độ và sống bám vào đồng tiền trợ giúp từ các nước Bắc và Tây Âu giàu có hơn.
Quan điểm thiên kiến đã biến thành sự chia rẽ sâu sắc, thù ghét và sự nghi ngờ trong lòng của lục địa vốn đã có lịch sử giao tranh hơn nghìn năm, và cũng phần nào thúc đẩy quá trình Brexit diễn ra nhanh chóng hơn. Để ngăn chặn tương lai tan vỡ của liên minh châu Âu, từ Athens đến Madrid và Lisbon, các quốc gia vùng Nam Âu đã nỗ lực không ngừng để thay đổi điều đó.
Người mua sắm ở trung tâm thủ đô Madrid, Tây Ban Nha |
Sau nhiều năm nhận được các gói cứu trợ quốc tế và các chương trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, các nước Nam Âu đã thực hiện những thay đổi quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư, phục hồi tăng trưởng và xuất khẩu cũng như đẩy lùi tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
Các chính phủ đã cắt giảm bộ máy nhân sự quan liêu và thuế doanh nghiệp để kích thích doanh nghiệp, thúc đẩy những thay đổi đối với thị trường lao động vốn cứng nhắc của họ. Họ nới lỏng các quy định thuê và sa thải công nhân, đồng thời giảm việc sử dụng rộng rãi các hợp đồng tạm thời. Chính phủ cũng nỗ lục chuyển sang giảm các khoản nợ và thâm hụt cao ngất trời, thu hút các quỹ đầu tư và lương hưu quốc tế bắt đầu mua lại nợ chính phủ của họ.
Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg ở London, cho biết: “Các quốc gia này đã cùng nhau hành động để khắc phục những hậu quả đã gây ra cho cả nền kinh tế châu Âu, với chương trình hành động có cấu trúc vững chắc và năng động hơn so với trước đây”.
Bên cạnh đó, với bề dày văn hóa phong phú và thiên nhiên ưu đãi, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Hy Lạp tập trung đầu tư vào phát triển khu vực dịch vụ - đặc biệt là du lịch, và tạo ra doanh thu kỷ lục kể từ khi kết thúc các hạn chế xã hội do đại dịch COVID19. Đồng thời, các quốc gia này cũng được hưởng lợi từ một phần của gói kích thích trị giá 800 tỷ euro do Liên minh châu Âu triển khai để giúp các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Nền kinh tế Hy Lạp tăng trưởng gấp đôi mức trung bình của khu vực đồng euro vào năm 2023, nhờ đầu tư ngày càng tăng từ các tập đoàn đa quốc gia như Microsoft và Pfizer, bên cạnh đó là đầu tư mạnh vào các ngành như năng lượng tái tạo, du lịch và dịch vụ.
Anh Giannis Moschos, một người điều hành doanh nghiệp sản xuất dầu ô liu của gia đình, hồi tưởng lại khoảng thời gian khó khăn hơn 10 năm trước. Một nền kinh tế suy sụp, các mối quan hệ kinh doanh tan vỡ, đất nước trở thành trò cười cho cả thế giới.
Giờ đây, sau khi cả xã hội cố gắng xây dựng mọi thứ lại từ đầu, anh Moschos và những người điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa khác của Hy Lạp vẫn đang tiếp tục cố gắng để “đóng góp một phần trong tương lai của Châu Âu”; tạo ra sản phẩm chất lượng và sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm tiền và đồng thời từng bước thực hiện những tham vọng về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường mà cộng đồng EU đề ra.
Vụ mùa thu hoạch Ô liu tại của Moschos Olive ở Hy Lạp |
Tại Bồ Đào Nha, nơi tăng trưởng được thúc đẩy bởi ngành xây dựng và du lịch, nền kinh tế đã tăng trưởng 1,4% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế Tây Ban Nha trong cùng thời kỳ thậm chí còn mạnh hơn, ở mức 2,4%.
Tại Ý, mặc dù chính phủ bảo thủ đã hạn chế chi tiêu công nhưng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ và ô tô vẫn tăng đều đặn, đồng thời thu hút nhiều đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp. Nền kinh tế Ý đã đặt gần như ngang bằng với tốc độ tăng trưởng chung của khu vực đồng euro, một sự cải thiện rõ rệt đối với một quốc gia từ lâu bị coi là lực cản kinh tế cho khu vực.
Valentina Meliciani , Giáo sư kinh tế ứng dụng tại Trường ĐH Kinh tế Luiss, cho biết: “Đối với bốn nước – Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, có thể thấy sự cải thiện trong môi trường kinh doanh và các chính sách đổi mới của Chính phủ. Tuy nhiên, khi nói đến tăng trưởng kinh tế, có một số khác biệt. Ý đã không thể ổn định được khoản nợ của mình.” Chính phủ Rome vẫn giữ nguyên những quan điểm và phải tìm hướng đi để đạt được các thành tựu về tài chính quốc gia trong tương lai.
Liệu Nam Âu có thể bắt kịp và thay thế các cường quốc trong khu vực?
Câu trả lời là có thể. Lãi suất cao đe dọa làm giảm tốc độ tăng trưởng của tất cả nhưng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có những động thái đầu tiên trong việc cắt giảm lãi suất và giải phóng sức trì cho các doanh nghiệp và đầu tư.
Lạm phát ở khu vực đồng euro ổn định ở mức 2,4% trong năm tính đến tháng 4, sau một chiến dịch tích cực của ngân hàng nhằm hạ nhiệt giá cả tăng vọt trong năm ngoái.
Điều đó sẽ hỗ trợ du lịch, động lực tăng trưởng chính ở Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Những quốc gia này cũng sẽ ngày càng được hưởng lợi từ những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của mình thành những điểm đến mới cho đầu tư quốc tế vào sản xuất và công nghệ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, Chính phủ các quốc gia này vẫn còn chặng đường dài để giữ vững vị thế hiện nay, thông qua việc nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như năng suất. Tỷ lệ thất nghiệp, mặc dù đã giảm mạnh do khủng hoảng, nhưng vẫn ở mức cao, trong khi mức tăng lương ở nhiều công việc không theo kịp lạm phát.
Nhà kinh tế trưởng Bert Colijn phụ trách khu vực EU tại Ngân hàng ING cho biết những khoản đầu tư và các gói cứu trợ, dù là hạn chế hơn, vẫn “sẽ giúp nền kinh tế của các quốc gia này chứng minh sức phục hồi bền vững trong tương lai” Ông cũng cho rằng khó có thể dự đoán được khả năng các nước này vượt qua cả những cường quốc truyền thống như Đức và Pháp để dẫn đầu khu vực.
>>Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang 'ốm yếu' hơn bao giờ hết, chưa thể thoát 'vũng lầy' suy thoái
Fed ‘đứng im’, ECB giảm lãi suất tác động đến Việt Nam ra sao?
Mòn mỏi chờ được chấp nhận vào EU mà không được, quốc gia NATO quay sang xin vào BRICS