HoREA kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội
HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó liên quan đến việc mở rộng đối tượng thụ hưởng.
Mới đây Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản góp ý và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, đơn vị này đánh giá cao việc các cơ quan chức năng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng dự thảo nghị quyết, trong đó đặc biệt có quy định mới về Quỹ Nhà ở quốc gia với chức năng đầu tư, xây dựng và tạo lập quỹ nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuê mua, thuê.

Đây được xem là điểm mới so với các dự thảo trước đó, thể hiện rõ mục tiêu hỗ trợ nhiều đối tượng chính sách nhằm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.
Trong văn bản góp ý của mình, HoREA đã đề xuất nhiều điều chỉnh quan trọng, trong đó có các nhóm đề xuất nổi bật như mở rộng đối tượng thụ hưởng nhằm tháo gỡ thủ tục nghiệm thu, điều chỉnh cách xác định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội.
Một trong những nội dung trọng tâm được HoREA đề xuất chính là việc mở rộng các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Cụ thể, HoREA kiến nghị bổ sung nhóm người thu nhập trung bình thấp, các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa đủ điều kiện xếp vào nhóm đối tượng được áp dụng của Nghị quyết.

Theo đó, HoREA kiến nghị bổ sung "nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê" vào Điều 2 trong Dự thảo Nghị quyết về đối tượng áp dụng để bao gồm đầy đủ các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội và để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, việc bổ sung nhóm cán bộ, công chức, viên chức vào đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là bước đi hợp lý, nhằm tạo cơ sở để sau này Chính phủ ban hành các hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai các chương trình nhà ở cho nhóm đối tượng này tương tự như các cơ chế đã áp dụng đối với lực lượng vũ trang nhân dân trong Luật Nhà ở hiện hành.
Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, TP. HCM đang có hơn 60.000 cá nhân đang kinh doanh phòng trọ dài hạn với hơn 560.000 phòng phục vụ cho 1,4 triệu người.
Nếu như Dự thảo bổ sung quy định công nhận loại hình phòng trọ cho thuê lâu dài là một hình thức nhà ở xã hội do cá nhân đầu tư, thì nhóm này có thể tiếp cận vốn tín dụng từ Quỹ Nhà ở quốc gia, mở ra một hướng phát triển linh hoạt, khai thác tối đa được nguồn lực.