Lạng Giang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã có nhiều cách làm hiệu quả hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế. Huyện Lạng Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%.
Mô hình thoát nghèo ở huyện Lạng Giang |
Nhiều cách làm hiệu quả
Những năm qua, để thực hiện có hiệu mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Lạng Giang đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, trúng với tình hình thực tế ở địa phương và nguyện vọng người dân.
Tại địa bàn xã Tân Thanh, qua rà soát, trên địa bàn xã hiện còn 71 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,54%) và 75 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 2,68%). Từ thực tế của địa phương, xã Tân Thanh lựa chọn và tập trung thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Xã Tân Thanh chú trọng việc công khai, minh bạch, đồng bộ các chính sách, chế độ cho hộ nghèo, cận nghèo.
Đồng thời, xã Tân Thanh đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình giảm nghèo để người nghèo nắm và hiểu được, có thêm động lực thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. UBND xã Tân Thanh đã tiếp nhận và giúp 6 hộ nghèo về con giống chăn nuôi. Hiện dư nợ tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã là hơn 10 tỷ đồng.
Thời gian qua, huyện Lạng Giang thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo |
Xã An Hà lại chú trọng vào việc hỗ trợ đúng những gì người nghèo cần. Qua thực tế tại địa phương và nhu cầu của hộ nghèo, xã An Hà tìm hiểu và nhận thấy mô hình chăn nuôi bò sinh sản là cách giảm nghèo sát với điều kiện của các hộ. Nhiều hộ nghèo trong xã An Hà được hỗ trợ bò sinh sản, qua đó góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Lạng Giang, từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ 153 con bò giống sinh sản và 6,4 nghìn con gà giống để giúp đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Lạng Giang đã tổ chức 31 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 3,8 nghìn lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn. Huyện Lạng Giang tổ chức một số đoàn cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại các tỉnh khác. Thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nhận thức và năng lực thực hiện chính sách của các cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở được nâng lên.
Việc triển khai linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện Lạng Giang giảm. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 3,29%, đến năm 2023 còn 2,24%; dự kiến năm 2024 giảm chỉ còn 1,36%.
Đồng hành với người nghèo
Năm 2024, huyện Lạng Giang được phân bổ hơn 4,8 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến cuối tháng 9, toàn huyện Lạng Giang giải ngân được gần 3,8 tỷ đồng, đạt hơn 78% kế hoạch vốn giao. Đây là kết quả giải ngân đáng kể giúp kịp thời hỗ trợ người nghèo.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lạng Giang, đến nay, trên địa bàn huyện có hàng chục mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững như chăn nuôi bò sinh sản, gà, trồng hoa, lúa giống mới. Tổng số hộ tham gia vào các mô hình, dự án phát triển sản xuất hơn 600 gia đình, trong đó có hơn 300 hộ nghèo, hơn 220 hộ cận nghèo và hàng chục hộ mới thoát nghèo.
Đến nay, trên địa bàn huyện Lạng Giang có 25 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững như chăn nuôi bò sinh sản, gà, trồng hoa, lúa giống mới.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lạng Giang cho biết, từ kết quả công tác giảm nghèo thời gian qua, huyện Lạng Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên cũng như người dân, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng chương trình giảm nghèo.
Huyện Lạng Giang phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; cùng đó nhân rộng mô hình giảm nghèo để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, huyện Lạng Giang tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để đạt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,9%.
‘Bão lấy đi mùa vụ, nhưng không thể lấy đi nghị lực và ý chí của nông dân’
Sẽ có gần 1.000 tỷ đồng chi trả tiền tín chỉ carbon lúa cho nông dân ở ĐBSCL