Láng giềng Việt Nam chế tạo máy đặt cáp ngầm đầu tiên có thể tiếp cận nơi sâu nhất Trái đất : Sức kéo hơn 15 tấn, tốc độ đạt 120m/phút, mở ra kỷ nguyên mới cho khám phá đại dương
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển hệ thống tời cáp đầu tiên trên thế giới có thể hoạt động tại điểm sâu nhất hành tinh.
South China Morning Post (SCMP) đưa tin, Trung Quốc vừa hoàn thành việc chế tạo máy đặt cáp ngầm đầu tiên trên thế giới có khả năng hoạt động tại vực thẳm Challenger, nơi sâu nhất được biết đến trên Trái Đất.
Nằm ở phía Nam rãnh Mariana thuộc vùng Tây Thái Bình Dương, vực thẳm Challenger có độ sâu tối đa gần 11.000m so với mực nước biển. Đây là phạm vi mà hệ thống tời cáp quang toàn độ sâu Haiwei GD11000 mới của Trung Quốc có thể chạm tới.
Hệ thống này được phát triển bởi Đại học Hàng hải Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) cùng một số công ty cơ khí và công nghệ trong nước. Theo tuyên bố trước đó của trường, Haiwei GD11000 có thể triển khai cáp ở độ sâu tối đa hơn 11.000m.
Li Wenhua, Giáo sư tại Đại học Hàng hải Đại Liên và trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố Haiwei GD11000 có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học biển ở “tất cả các độ sâu của đại dương trên thế giới”.
Được biết kỷ lục trước đó về cáp ngầm siêu sâu được thiết lập bởi nhà sản xuất cáp Prysmian (Italy). Hồi tháng 7, công ty này công bố rằng họ đã hoàn thành việc lắp đặt cáp ngầm ở độ sâu 2.150m.
Được mô tả là “hệ thống tời cáp quang toàn độ sâu đầu tiên của Trung Quốc và duy nhất trên thế giới”, Haiwei GD11000 là sản phẩm hoàn toàn do Trung Quốc tự phát triển. Hệ thống này đã chứng minh khả năng của mình khi hoàn thành việc khảo sát biển sâu đầu tiên tại Biển Đông vào tháng 10.
Trong chuyến khảo sát trên tàu Ocean Geology 2 của Cục Khảo sát Địa chất Biển Quảng Châu, hệ thống đã thực hiện 2 lần kéo tàu ngoài khơi ở độ sâu hơn 4.000m với chiều dài cáp tối đa đạt 11.228,7m.
Ngoài ra, Haiwei GD11000 cũng sử dụng robot dưới nước điều khiển bằng cáp để quan sát đáy biển, đặt điểm đánh dấu và lấy mẫu. "Điều này cho thấy tính ổn định và khả năng vận hành của hệ thống", tuyên bố cho biết.
Hệ thống tời cáp quang - được thiết kế để triển khai, thu hồi và kéo các thiết bị lớn như robot dưới nước điều khiển bằng cáp - đóng vai trò là công cụ không thể thiếu trong việc khai thác và nghiên cứu tài nguyên biển sâu.
Trước nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị hiện đại để nghiên cứu môi trường biển sâu và khắc nghiệt hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phê duyệt dự án nghiên cứu vào tháng 12/2023. Sau khi vượt qua nhiều thách thức công nghệ, nhóm nghiên cứu đã phát triển sản phẩm tiên tiến này.
Ông Li cho hay, Haiwei GD11000 có tải trọng làm việc an toàn lớn hơn 15 tấn và tốc độ kéo lên tới 120 m/phút. Hệ thống sở hữu đường kính cáp siêu mỏng dưới 34mm, nhưng vẫn đảm bảo công suất truyền tải trên 51kW.
Trong tương lai, hệ thống sẽ được triển khai cho các hoạt động khảo sát biển sâu trên các tàu nghiên cứu, cung cấp hỗ trợ công nghệ cho nỗ lực nghiên cứu khoa học và khai thác tài nguyên đại dương của Trung Quốc.
Theo SCMP