Láng giềng Việt Nam ra mắt trạm quan sát khí tượng cao nhất thế giới, sử dụng hệ thống định vị siêu mạnh
Trong vòng 3 năm tới, tất cả các trạm quan sát khí tượng của Trung Quốc sẽ được nâng cấp để sử dụng công nghệ BeiDou tiên tiến.
Một khinh khí cầu khí tượng tích hợp hệ thống định vị BeiDou vừa được phóng lên tại một trạm quan sát khí tượng quốc gia ở Baingoin thuộc khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc).
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA), sự kiện này đánh dấu việc thành lập trạm quan sát khí tượng sử dụng công nghệ BeiDou nằm ở độ cao lớn nhất thế giới.
Pema Dorje, một quan chức của cục khí tượng địa phương, cho biết sau 65 phút bay lên cao, khinh khí cầu đã truyền dữ liệu thời tiết quan trọng như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, hướng gió và tốc độ gió từ độ cao 4.706m - 31.680m.
Khi đi vào hoạt động, trạm sẽ cải thiện khả năng quan sát khí tượng bằng cách tích hợp dữ liệu mặt đất và trên không trung, nâng cao độ chính xác của việc giám sát thời tiết trong khu vực.
Ngoài ra, trạm cũng sẽ theo dõi các điều kiện khắc nghiệt như giông bão và mưa lớn trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, hỗ trợ nghiên cứu về tác động của lượng mưa cũng như tăng cường nỗ lực phòng chống thiên tai.
Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố năng lực quan sát khí tượng.
Vào tháng 7/2023, CMA đã công bố kế hoạch chuyển đổi từ hệ thống đo cao băng tần L hiện tại sang hệ thống đo cao BeiDou trong 3 năm tới. Tất cả 131 trạm trên toàn quốc dự kiến sẽ hoàn thành việc nâng cấp vào năm 2025, giải quyết các thiếu sót trong việc quan sát và thúc đẩy dịch vụ khí tượng.
Beidou là hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu do Trung Quốc phát triển độc lập, có chức năng định vị và điều hướng chính xác.
Đây là 1 trong 4 nhà cung cấp cốt lõi của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, cùng với GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Liên minh châu Âu. Giới quan sát đánh giá, BeiDou có nhiều vệ tinh hơn GPS hoặc bất kỳ hệ thống nào khác.
Theo CGTN, China Daily