Lão nông 'phất' lên nhờ nghề lạ ở Việt Nam, 'hốt' tiền tỷ nhờ mang loại cây hiếm về trồng
Loại cây này ít tốn công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đi qua quốc lộ 28, đoạn bon B’Nơr, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những cánh rừng tre trải dài trước tầm mắt. Được biết, những cánh rừng tre này là giống tre bốn mùa, có giá trị thương mại rất cao, mỗi năm mang lại cho chủ nhân hàng tỷ đồng.
Vị chủ nhân của "rừng vàng" ấy không ai khác chính là ông Lê Minh Hoàng, ngoài 70 tuổi, quê gốc Bình Định. Cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sang, ông đã gắn bó với mảnh đất này từ năm 1997. Hành trình lập nghiệp của vợ chồng ông Hoàng không hề dễ dàng. Khi đặt chân đến vùng đất mới, họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đất đai nơi đây nhiễm phèn nặng, tầng dưới nhiễm bô-xít, khiến nhiều loại cây trồng không thể phát triển.
Ông Hoàng chia sẻ, sau nhiều năm thất bại với đủ loại cây trồng, trong một lần tình cờ, ông nhận thấy người dân địa phương thường vào rừng hái măng mùa mưa để bán cho thương lái. Măng rừng được thị trường ưa chuộng, giá cả ổn định, nhưng nguồn cung lại hạn chế do chỉ thu hoạch được 3 tháng trong năm. Nhìn thấy tiềm năng từ "măng rừng", ông Hoàng nhen nhóm ý tưởng trồng tre để lấy măng.
Với khát khao cháy bỏng, ông Hoàng bắt đầu hành trình tìm kiếm giống tre phù hợp. Ông cho con trai sang tận Đài Loan để học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu các mô hình về giống măng tre bốn mùa. Năm 2017, có trong tay 50 bầu cây giống, ông Hoàng bắt đầu ươm thử nghiệm trên mảnh đất của mình.
Dẫu vậy, do ban đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây giống trồng xuống chết khá nhiều, chỉ còn sống được khoảng 30 cây. Nhiều người thậm chí còn bán tín bán nghi vì hiếm có loại tre nào cho măng quanh năm được, đặc biệt vào các tháng khô hạn lại càng không thể.
Tuy nhiên, ông Hoàng không hề nản lòng. Với tinh thần ham học hỏi và quyết tâm cao độ, ông bắt đầu mày mò tìm hiểu cách chăm sóc, chữa bệnh cho cây, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật ươm giống để nhân rộng mô hình.
Niềm kiên trì và nỗ lực phi thường đã được đền đáp xứng đáng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và biết cách chăm sóc, tỷ lệ cây tre chết dần được giảm thiểu, tiến đến gần như bằng không. Những đồi trọc ngày nào giờ đây đã được phủ xanh bởi màu tre tươi tốt. Chỉ sau vài năm, ông Hoàng đã nhân giống hơn 17ha tre.
Bà Nguyễn Thị Sang chia sẻ, xã Đắk Som nằm ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các thị trường lớn gặp nhiều hạn chế. Vợ chồng bà phải tự mình mang sản phẩm măng tre chất lượng cao lặn lội đến các tỉnh, tìm đến từng cơ sở để giới thiệu và tiếp thị.
“Ban đầu, nhiều nơi còn khá e dè với mặt hàng mới này. Tuy nhiên, sau đó thấy sản phẩm vợ chồng ông Hoàng đạt chất lượng tốt, nhiều đơn vị, thương lái bắt đầu ồ ạt tới đặt hàng”, bà Sang kể.
Bà Sang cũng cho biết thêm, so với các loại cây trồng khác, trồng tre lấy măng bốn mùa, công chăm sóc ít và hiệu quả kinh tế rất cao. Đến nay, trang trại của vợ chồng ông bà đã có hàng ngàn gốc măng tre bốn mùa, trong đó măng cho thu hoạch đã có tuổi đời 6 năm. Với giá nhập cho các cơ sở thu mua trong và ngoài tỉnh 10.000 đồng/kg măng, mỗi ngày vợ chồng ông Hoàng thu về hơn 30 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu thu hoạch đủ cả 30 ngày mỗi tháng, sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, sản xuất, thuê nhân công sơ chế và đóng gói, vợ chồng ông Hoàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng, từ đó thu về tiền tỷ mỗi năm.
Bên cạnh đó, nhiều công ty, trang trại ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk đều đặt hàng cây giống tre bốn mùa của gia đình ông Hoàng với số lượng lên đến 100.000 gốc mỗi năm. Giá bán dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng/cây giống. Những cây tre già cỗi cũng được nhiều đơn vị thu mua số lượng lớn để sản xuất đồ mỹ nghệ, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho mô hình.
Tổng hợp