Lộ diện các tổ chức nòng cốt “lách luật” giúp Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tuồn hàng trăm nghìn tỷ khỏi SCB

22-11-2023 20:57|Lan Phương

Trong khi thiếu hiểu biết pháp luật là nguyên nhân khiến nhiều người vướng vào vòng lao lý, vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB lại là nơi những người am hiểu pháp luật tận dụng kẽ hở để lừa đảo, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã trực tiếp chỉ đạo hoặc qua các đối tượng: Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung... để chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát, đơn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo thực hiện các thủ đoạn: Tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê/nhờ người đứng tên tài sản; tạo lập hồ sơ vay vốn khống; đưa tài sản đảm bảo được định giá trị, để tạo ra một bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thực chất là để “rút ruột” Ngân hàng SCB.

Để thương vụ tuồn tiền khỏi Ngân hàng SCB trót lọt, các đối tượng tại các công ty thẩm định giá đã tiếp tay phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn của nhóm Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

>> Quá trình thâu tóm Ngân hàng SCB của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Cụ thể, lãnh đạo Ngân hàng SCB đã chỉ đạo cấp dưới trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ với các Công ty Thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, trị giá tài sản bảo đảm cần định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB. Kết quả điều tra xác định, có 7 cá nhân là đại diện pháp luật, thẩm định viên thuộc 5 công ty thẩm định giá gồm: Công ty Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới, Công ty Thẩm định giá MHD, Công ty Thẩm định giá Thiên Phú, Công ty Thẩm định giá Exim và Công ty Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC có hành vi thông đồng giúp sức cho các đối tượng tại Ngân hàng SCB tạo lập hồ sơ vay vốn khống.

Tại Công ty Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới, năm 2019, Lê Huy Khánh đã liên hệ với 3 cá nhân để mượn thẻ thẩm định viên, thành lập Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới, làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật công ty. Tháng 12/2021, Khánh đã thống nhất với Hồ Bình Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD về việc nhận thẩm định giá, phát hành chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản, ghi lùi ngày chứng thư để Ngân hàng SCB sử dụng, hợp thức hồ sơ tài sản đảm bảo, giải ngân cho vay đối với các khách hàng.

Bị can thừa nhận Công ty Tầm Nhìn Mới bắt đầu hoạt động từ tháng 03/2022, nhưng theo đề nghị của Hồ Bình Minh, Khánh đã ký phát hành các chứng thư, báo cáo Thẩm định giá lùi thời gian năm 2020, 2021 để họp thức một số hồ sơ vay cho ngân hàng SCB. Qua việc ký ban hành các chứng thư thẩm định giá, Khánh được Minh thanh toán khoảng 100 - 200 triệu đồng.

Giám đốc Công ty Tầm Nhìn Mới đã ký phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư giúp cho Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ giải ngân cho khoản vay với tổng số tiền giải ngân là 14.570 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 11.714 tỷ đồng.

Tại Công ty Thẩm định giá MHD, Hồ Bình Minh cùng cùng ông Trần Khánh Du, Giám đốc Công ty MHD thống nhất với Bùi Ngọc Sơn, nhân viên Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB về việc thực hiện thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của Ngân hàng SCB. Theo đó, Hồ Bình Minh đã soạn thảo gửi cho Công ty Tầm Nhìn Mới phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư giúp cho Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 3 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 14.570 tỷ đồng.

Đồng thời, Hồ Bình Minh đã thẩm định giá, ký thẩm định viên để Công ty MHD phát hành chứng thư thẩm định nâng khống giá trị tài sản Thẩm định giá, giúp cho Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 2 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 9.570 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 8.563 tỷ đồng. Tổng thiệt hại Hồ Bình Minh liên đới với Lê Huy Khánh - Giám đốc Công ty Tầm Nhìn Mới là 11.714 tỷ đồng.

>> Vụ án Vạn Thịnh Phát: Hơn 1 triệu tỷ bị rút khỏi SCB “chảy” về đâu?

Công ty Thẩm định giá Thiên Phú, Tổng Giám đốc Trần Thị Kim Ngân thừa nhận trực tiếp tiếp nhận hồ sơ tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của Ngân hàng SCB từ Trần Văn Nhị, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán ATC. Khi gửi hồ sơ, Nhị gửi kèm file có sẵn yêu cầu về giá trị tài sản thẩm định giá cần đạt được và ngày phát hành chứng thư là lùi ngày so với thời điểm nhận hồ sơ thẩm định giá (một số hồ sơ tài sản thẩm định giá, Nhị có gửi kèm chứng thư cũ). Ngân chỉ đạo Trần Tuấn Hải tiến hành thẩm định giá theo yêu cầu của Trần Văn Nhị, thực hiện kiểm tra, đồng ý với nội dung dự thảo chứng thư, báo cáo thẩm định giá do Trần Tuấn Hải soạn thảo đã được nâng khống giá trị tài sản thẩm định giá gấp nhiều lần thực tế.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020, Ngân đã ký đại diện pháp luật để Công ty Thiên Phú phát hành 2 chứng thư thẩm định giá nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư giải ngân cho khoản vay của 65 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 105.656 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 110.064 tỷ đồng.

Phía Công ty Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC, kết quả điều tra đến nay xác định Đỗ Xuân Nam đã ký đại diện pháp luật để Công ty DATC phát hành chứng thư nâng khống giá trị và ghi lùi ngày phát hành chứng thư giúp cho Ngân hàng SCB họp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 4 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là 3.238 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 4.277,7 tỷ đồng.

Cuối cùng tại Công ty Thẩm định giá E XIM, theo yêu cầu của Ngân hàng SCB, Phó Tổng Giám Lê Kiều Trang đã tiếp nhận yêu cầu thẩm định giá tài sản, phát hành chứng thư thẩm định giá tài sản nâng khống giá trị, ghi lùi ngày phát hành chứng thư để Ngân hàng SCB sử dụng phục vụ việc giải ngân vốn vay cho khách hàng.

Kết quả điều tra đến nay xác định, từ năm 2017 đến năm 2019, Lê Kiều Trang đã tiến hành thẩm định giá, ký thẩm định viên để Công ty E XIM phát hành 17 chứng thư nâng khống trị giá tài sản, giúp cho Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho khoản vay của 11 khách hàng với tổng số tiền giải ngân là gần 1.141 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB 984,5 tỷ đồng.

>> Chiếm đoạt hàng chục tỷ USD, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát lọt Top 3 lừa đảo tài chính toàn cầu?

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Cục trưởng thanh tra xin giảm nhẹ để về trị bệnh

Vụ Vạn Thịnh Phát: Một công ty Hàn Quốc muốn đầu tư vào các dự án bị kê biên của bà Trương Mỹ Lan

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-luc-luong-nong-cot-lach-luat-giup-chu-tich-van-thinh-phat-tuon-hang-tram-nghin-ty-khoi-scb-212144.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ diện các tổ chức nòng cốt “lách luật” giúp Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tuồn hàng trăm nghìn tỷ khỏi SCB
    POWERED BY ONECMS & INTECH