Chiếm đoạt hàng chục tỷ USD, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát lọt Top 3 lừa đảo tài chính toàn cầu?

20-11-2023 18:59|Lan Phương

Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ của 42.000 nhà đầu tư. Mới đây, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng (xấp xỉ 13 tỷ USD) của SCB.

Bản kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát được công bố vào giữa tháng 11/2023 với loạt con số gây sốc, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng (xấp xỉ 18 tỷ USD).

>> Quá trình thâu tóm Ngân hàng SCB của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Đáng chú ý, dù không giữ chức vụ gì tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn song bà Lan lại là “chủ thật sự” của nhà băng này thông qua việc nhờ người thân tín đứng tên hộ cổ phần và bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt tại SCB. Bằng cách này, bà Lan đã thao túng toàn bộ SCB để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay. Kết quả điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, SCB đã cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng, trong đó liên quan trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm vay 2.500 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

>> Vụ án Vạn Thịnh Phát: Hơn 1 triệu tỷ bị rút khỏi SCB “chảy” về đâu?

Trước đó, hồi tháng 10, tại buổi họp báo công tác quý 3/2023, nhiệm vụ công tác trọng tâm quý 4/2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế (C03, Bộ Công an), cho biết mới đây cơ quan điều tra đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại tập đoàn này, CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Kết quả điều tra xác định từ năm 2018-2020, các nghi phạm có liên quan tại CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu. Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ của 42.000 nhà đầu tư.

>> Lác mắt với khối tài sản khủng bị kê biên của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát: Hàng ngàn bất động sản, ô tô, du thuyền

Với quy mô lừa đảo, số tiền đã chiếm đoạt và tổng thiệt hại, vụ việc xảy ra tại Vạn Thịnh Phát lọt vào Top 3 vụ án lừa đảo tài chính thế giới. Xếp hạng được dựa trên dữ liệu của Thinkadvisor tính đến cuối năm 2022 trong bài viết “10 of the Biggest Financial Frauds of the Past 25 Years”.

Chiếm đoạt hàng chục tỷ USD, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát lọt Top 3 lừa đảo tài chính toàn cầu?

Hai vụ lừa đảo tài chính có quy mô lớn hơn Vạn Thịnh Phát được thực hiện bởi Bernard Madoff, cựu Chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq và Jeffrey Skilling cùng Kenneth Lay, lãnh đạo tập đoàn Enron.

“Siêu lừa” Bernard Madoff và hơn 3 triệu nạn nhân

Vụ lừa đảo bắt đầu được Bernard Madoff thực hiện sau Ngày thứ Hai đen tối năm 1987 của chứng khoán thế giới. Thủ đoạn tuy không mới (lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ), nhưng đến thời điểm bị bắt năm 2008, quy mô của vụ lừa đã lên tới 65 tỷ USD.

Madoff, Chủ tịch sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ)đã lừa được nhiều người đổ tiền vào các quỹ đầu tư của mình nhờ vai vế tại Wall Street.

Cùng với uy tín cá nhân, bậc thầy sử dụng cam kết lợi nhuận vượt trội để hấp dẫn các nhà đầu tư - trung bình 10,5% mỗi năm. Đồng thời, bất kỳ khi nào khách hàng cần rút tiền, Madoff đều có thể đáp ứng.

Cụ thể, Madoff thuyết phục khách hàng cho phép ông mua hàng loạt cổ phiếu theo chỉ số S&P 100 và giảm thiểu rủi ro bằng cách mua - bán quyền chọn dựa trên chỉ số này. Ông làm giả tài liệu, gửi cho khách hàng dù những giao dịch này chưa từng được thực hiện. Thậm chí, gửi kèm số liệu giả về các khoản lợi nhuận để chiếm lòng tin của khách hàng. Khi khách hàng muốn rút tiền, ông phải bù vào những khoản không có thật từ tài khoản cá nhân ở Ngân hàng JPMorgan Chase.

Madoff đã duy trì những phi vụ lừa đảo trong gần hai thập kỷ, cho tới 2008, sự việc mới dần hé lộ khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhà đầu tư tới rút tiền còn nhanh hơn tốc độ huy động của Madoff.

Nạn nhân của Madoff không chỉ có cá nhân mà còn là các tổ chức từ thiện, trường đại học, thậm chí là ngân hàng, như HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland và Ngân hàng Nomura. Tổng cộng, số nạn nhân trực tiếp và gián tiếp trong vụ này lên đến 3 triệu người. Ước tính các nạn nhân đã đưa cho Madoff hơn 19 tỷ USD và số tài sản này đã nhân rộng lên gần 65 tỷ USD, gồm cả lợi nhuận khống trong ít nhất hai thập kỷ.

“Tô hồng” báo cáo tài chính, Enron tạo nên cú lừa lớn nhất thị trường tài chính toàn cầu

Tập đoàn Enron sụp đổ gây thiệt hại ước tính hơn 78 tỷ USD cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Thành lập năm 1985, sau khi sát nhập với Houstion Natural Gas và InterNorth, Enron trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất đất Mỹ sở hữu khối tài sản khổng lồ đến từ hàng loạt các công ty con, nhà máy, xí nghiệp đa chủng loại như nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy sản xuất bột giấy và giấy, ống dẫn khí và nhiều loại hình dịch vụ khác. Từ năm 1996 đến 2000, tức chỉ trong 4 năm ngắn ngủi, doanh số bán hàng của Enron đã tăng nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc, từ 13,3 tỷ USD lên 100,8 tỷ USD (khoảng từ 299 nghìn tỷ đến 2,3 triệu tỷ đồng).

Thăng hoa cùng kết quả kinh doanh,cổ phiếu Enron tăng phi mã 331% trong giai đoạn từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 1998, vượt trội so với tỷ lệ tăng trưởng của chỉ số S&P 500. Trong 2 năm bản lề thiên niên kỷ, Enron tiếp tục là ngôi sao sáng chói trên thị trường chứng khoán khi tăng thêm 56% và 87%, trong khi chỉ số S&P tăng 20% vào năm 1999 và giảm 10% vào năm 2000.

Tới ngày 31/12/2000, thị giá cổ phiếu Enron đạt mức 83,13USD/cp và vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 60 tỷ USD, cao gấp 70 lần thu nhập và 6 lần giá trị sổ sách.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2001, tình hình tài chính thực tế của Enron bị phơi bày, những bản báo cáo không minh bạch, thổi phồng doanh thu và gian lận sổ sách kế toán bắt đầu được đưa ra ánh sáng. Cụ thể, vụ việc vỡ lở vào tháng 10/2001, Enron chính thức tiết lộ một khoản lỗ hằng quý khổng lồ và cho biết họ đã phóng đại thu nhập một cách có hệ thống trong suốt ít nhất bốn năm. Cổ phiếu Enron từ đỉnh cao lao thẳng về mốc dưới 1 USD vào cuối tháng 11/2001.

Trước diễn biến đó, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) bắt đầu vào cuộc. Đến ngày 2/12/2001, Enron nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Với tài sản lên tới 63,4 tỷ USD, đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó.

Theo điều tra, CEO Enron, dưới sự dung túng của Kenneth Lay đã che giấu hàng tỷ USD thua lỗ và nợ nần từ những thương vụ và dự án bị thất bại. Lợi dụng kẽ hở luật pháp để lập ra các công ty con mà không khai báo tài chính, lãnh đạo Enron đã che đậy hoàn hảo việc công ty đã vay quá khả năng chi trả. The đó, Enron vừa không phải công khai các khoản nợ, vừa lấp được những khoản lỗ. Kết quả là Enron đã thổi phồng lợi nhuận của mình và giá cổ phiếu của công ty cũng theo đó tăng lên vun vút.

Những hoạt động tài chính của Enron đều được dựa trên sự thiết kế và vận hành bởi mạng lưới chằng chịt quan hệ giữa Enron, một số quan chức chính phủ và đặc biệt là Công ty Tư vấn và kiểm toán Arthur Andersen đã giúp cho Enron.

Kế toán trưởng của Enron là Richard Causey, nguyên là kiểm toán viên của Andersen chuyển sang. Điều đáng nói, Andersen đã ký hợp đồng làm tư vấn cho Enron, sau đó chính mình lại đóng vai trò kiểm toán để xác nhận những báo cáo tài chính của Enron. Một kiểu hoạt động vừa đá bóng vừa thổi còi. Phí tư vấn và kiểm toán đều là những con số khổng lồ. Ví dụ, năm 2000, phí tư vấn là 27 triệu USD và phí kiểm toán là 25 triệu USD. Trung bình mỗi tuần, chi nhánh Andersen ở Houston nhận 1 triệu USD từ Enron.

Thời điểm ấy, các công ty phân tích chứng khoán và ngân hàng đầu tư ở Phố Wall cho đến trước lúc tàn cuộc vẫn khuyên các nhà đầu tư mua cổ phiếu của Enron.

Thái độ bất ngờ của bị cáo Trương Mỹ Lan khi bị tuyên y án tử hình

Vụ Vạn Thịnh Phát: Tuyên y án tù chung thân với người nhận hối lộ 5,2 triệu USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chiem-doat-hang-chuc-ty-usd-chu-tich-van-thinh-phat-lot-top-3-lua-dao-tai-chinh-toan-cau-211741.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chiếm đoạt hàng chục tỷ USD, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát lọt Top 3 lừa đảo tài chính toàn cầu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH