Lộ diện gam màu sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý 1/2023

15-04-2023 22:55|Lan Phương

Nổ phát súng” báo cáo tài chính quý 1/2023, doanh nghiệp nhiều nhóm ngành báo lãi tăng trưởng âm. Vệt sáng trong bức tranh lợi nhuận chỉ le lói ở nhóm ngân hàng.

Nhóm tài chính, chứng khoán kém tích cực

Kinh doanh ngoại hối lỗ, Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực - EVNFinance (EVF) báo lãi sau thuế quý 1/2023 giảm 41% so vơi cùng kỳ về mức 85,3 tỷ đồng.

Lộ diện gam màu sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý 1/2023
Nguồn: EVF

Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm sâu. Cụ thể, doanh thu giảm 17% về mức 479 tỷ đồng trong đó,nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 64 tỷ đồng - giảm 50%; lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 40% về còn 147 tỷ; lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 20% về mức 115 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 79 tỷ đồng - giảm 43% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, điểm tích cực là đã có công ty chứng khoán đầu tiên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Mảng tự doanh và cho vay khởi sắc kết hợp tiết giảm chi phí, Chứng khoán BIDV - BSC (BSI) báo lãi ròng đạt 97,7 tỷ - tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là mức cao nhất của công ty kể từ quý 3/2021.

Nhóm ngân hàng lãi lớn

Tại ĐHCĐ thường niên 2023, các nhà băng đã hé lộ kết quả kinh doanh quý 1/2023.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chia sẻ quý 1/2023 cũng khả quan với lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với YoY và đạt 26% kế hoạch cả năm.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB), Tổng giám đốc Eximbank ông Trần Tấn Lộc cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho hay, trong nhiệm kỳ VII, Eximbank đã tái cấu trúc mạnh mẽ, năm 2023 sẽ đi sâu vào xử lý nhân sự, quy trình, nâng cao hình ảnh và vị thế của Eximbank, tái cơ cấu toàn bộ các mảng và Ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch trong năm 2023 và quý 1 đi đúng lộ trình.

Lộ diện gam màu sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý 1/2023
Ảnh minh hoa: Bức tranh lợi nhuận quý 1/2023

Sắc xám bao phủ ngành thép nhưng đang “nhạt” dần

Nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục ghi nhận quý tăng trưởng âm và thua lỗ xong các lãnh đạo đồng thuận cho rằng mọi thứ đang dần tốt hơn.

CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 349 tỷ đồng - giảm tới 54% so với quý 1/2022; lãi sau thuế giảm 45% về mức 4,4 tỷ đồng. Dù vậy, biên lãi ròng của TDS tăng từ mức 1,06% lên 1,26%.

CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (VCA) mang về 506,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 40,6% YoY. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng giảm mạnh từ 825,4 tỷ đồng xuống 478,6 tỷ đồng nên biên lợi nhuận gộp được cải thiện tăng từ 3% lên 5%. Song, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 92% khiến lợi nhuận VCA giảm 40% về 5,3 tỷ đồng.

Mới đây, Chứng khoán SSI cũng dự báo 2 ông lớn ngành thép sẽ tiệp tục ghi nhận kết quả kém tích cực. Theo SSI, lợi nhuận Hoa Sen (HSG) có thể giảm 70%; Hoà Phát (HPG) thậm chí sẽ lỗ trong quý 1/2023, so với mức lợi nhuận dương 8,2 nghìn tỷ đồng cùng kỳ, do công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Điện - Bất chấp dự báo thuận lợi, doanh nghiệp nhiệt điện bất ngờ báo lãi giảm sốc

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với 2.571 tỷ đồng doanh thu thuần, đi ngang so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động tài chính tăng 2,5 lần lên hơn 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tới 98% (do giá than tăng cao) khiến lãi gộp giảm mạnh 85% về còn 47,5 tỷ đồng. Kết quả, HND báo lãi ròng đạt giảm 96% về xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Trước đó, HND cho biết sau 2 tháng đầu năm, doanh thu sản xuất điện đạt 1.527 tỷ đồng và lợi nhuận sản xuất điện trước thuế là lỗ 20 tỷ đồng.

Lộ diện gam màu sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý 1/2023
Ảnh minh hoạ: Nông nghiệp tươi sáng

Nông nghiệp - HAGL “vén màn” tươi sáng

CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HoSE: HAG) là doanh nghiệp chăn nuôi đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 1/2023. Mặc dù mảng heo không còn “hái ra tiền”, doanh thu và lợi nhuận của HAG vẫn tăng mạnh nhờ kinh doanh mảng chuối thuận lợi. Theo đó, HAG mang về 1.826 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2 lần so với quý 1/2022; lợi nhuận sau thuế tăng 19% lên 307,7 tỷ đồng.

Áp lực hiện hữu, thuỷ sản khó “lội ngược dòng”

Ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Tiết lộ tình hình xuất khẩu trong quý 1/2023, nhóm này sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính.

Nguyên nhân là lạm phát; chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao cùng với sự tăng giá bao bì, vật tư, năng lượng, nhân công…, trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn để xuất khẩu được lô sản phẩm hải sản khai thác vào EU do còn nhiều bất cập theo quy định IUU.

Hoá chất, phân bón kém sắc sau một năm bùng nổ

Theo nhận định của các chuyên gia, lợi nhuận quý 1/2023 ngành phân bón có thể suy giảm do mức nền cao năm ngoái. Khó khăn và thách thức ngành đang phải đối mặt là tương đối nhiều: Giá phân bón đang hạ nhiệt mạnh; Trung Quốc mở cửa khiến cạnh tranh gia tăng tại các thị trường xuất khẩu và cả thị trường Việt Nam và nhu cầu phân bón đã tương đối bão hòa và khó có khả năng tăng trưởng mạnh.

Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận 2 ông lớn ngành phân DCM và DPM giảm lần lượt 81% và 84%.

Đôi với BSR, SSI cho rằng mức lãi có thể đi lùi 50%. Mới đây Chia sẻ về tình hình kinh doanh quý 1/2023, BSR cho biết NMLD Dung Quất chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết. Trong 10 ngày của tháng 1, BSR không nhập được dầu thô, phải giảm công suất xuống 70 - 75%, dẫn đến giảm sản lượng. Sang tháng 3, giá dầu giảm sâu, tháng 4 mới tăng lại ảnh hưởng lớn đến vấn đề tồn kho tương đối lớn.

Sức mua suy giảm, ngành bán lẻ hụt hơi

Ở nhóm doanh nghiệp bán lẻ, phân phối thiết bị di động, hoạt động kinh doanh vẫn chưa khả quan khi sức mua suy giảm từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 gần đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG phụ trách chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, chia sẻ: "Tình hình kinh doanh trong quý vừa qua và vài quý tới tiếp tục khó khăn".

Sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự báo, trong đó tập trung ở phân khúc tầm trung trở xuống khi nhóm khách hàng thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng mua trả góp. Doanh số mua trả góp chỉ còn dưới 10% tổng doanh thu của MWG, trong khi trước đây lên tới 35%.

EVNFinance (EVF) bất ngờ báo lãi trước thuế tăng 57%, đạt 537 tỷ đồng

EVNFinance (EVF) chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ tăng vọt sau phát hành

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-dien-gam-mau-sang-toi-buc-tranh-loi-nhuan-quy-12023-178749.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ diện gam màu sáng - tối bức tranh lợi nhuận quý 1/2023
    POWERED BY ONECMS & INTECH