Với việc cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, các tuyến cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Tại Hội thảo Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024 vừa mới được tổ chức, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam cho biết, đất công nghiệp cho thuê hiện có tỷ lệ lấp đầy gần như 100%.
Tại các thị trường cấp 1 như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên... gần như không còn đất cho thuê. Thay vào đó, các thị trường cấp 2 như Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên... dần trở thành những điểm hấp dẫn với quỹ đất còn nhiều và giá thành rẻ.
Theo đó, bà Dung đánh giá, bất động sản công nghiệp là điểm sáng nhất trong thị trường bất động sản hiện tại, tỷ lệ đầu tư thành công lên tới 50%.
Chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng sẽ khiến cho thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong thời gian tới, chính là việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án đường cao tốc.
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (dự kiến hoàn thành 2027)
Đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (ký hiệu toàn tuyến là CT.08) dài 109km và đi qua các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ ở miền Bắc Việt Nam. Tuyến cao tốc này là tuyến cao tốc ven biển, thúc đẩy phát triển các tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây là tuyến cao tốc nằm ở cạnh đáy của tam giác đồng bằng sông Hồng, dự án cũng nằm trong chương trình "hai hành lang, một vành đai kinh tế".
Đường cao tốc này có điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái tại phường Tràng Cát, quận Hải An, TP. Hải Phòng.
>> Hai chốt chặn 19.000 tỷ trên cao tốc Bắc - Nam sẽ thông xe dịp 30/4 tới đây
Đường cao tốc có đoạn qua Ninh Bình dài 26km, đoạn qua Nam Định dài 28,7km, đoạn qua Thái Bình dài 32,7km và đoạn qua Hải Phòng dài 29km.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (đã hoàn thành tháng 12/2023)
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài 23km.
Dự án được khởi công vào tháng 1/2021, đi qua địa phận Vĩnh Long và Đồng Tháp; điểm đầu tại phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, kết nối với cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại thị xã Bình Minh, kết nối với quốc lộ 1.
Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, được khởi công vào ngày 16/3/2020, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt do kỹ sư Việt Nam thiết kế, xây dựng.
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục cao tốc từ TP. HCM đi Cần Thơ, kết nối hai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Cầu Mỹ Thuận 2 dài gần 2km với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h và đường dẫn hai đầu cầu dài 6,6km, có điểm đầu nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ TP. HCM đến TP. Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án đưa vào khai thác có nhiều ý nghĩa trong giảm thiểu ùn tắc, rút ngắn 50km từ TP. HCM đi thủ phủ miền Tây, tương đương thời gian đi khoảng 2 giờ, thay vì 3,5 giờ như trước đây.
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (dự kiến hoàn thành năm 2025)
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km (qua tỉnh Đồng Nai 34,2km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự án gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần; thời gian thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu được khởi công từ tháng 6/2023. Trong buổi kiểm tra dự án ngày 15/2/2024, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thông xe tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2025.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có ý nghĩa quan trọng, khi hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này, thời gian chạy xe từ TP. HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút và thường xuyên ùn tắc như hiện nay.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo (đã hoàn thành năm 2023)
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài 99km, quy mô 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến qua Đồng Nai và Bình Thuận, kết nối với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP. HCM với TP Phan Thiết (Bình Thuận) xuống còn khoảng 2,5 giờ.
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có tổng chiều dài 100,8km, với quy mô phân kỳ đầu tư trước mắt 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng; giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
Hai dự án trên thuộc thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam (phía Đông), giai đoạn 2017-2020, được khởi công và tổ chức khởi ông đồng loạt. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động từ 29/4/2023, còn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vận hành ngày 19/5/2023.
Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải có công văn cho phép tuyến đường bộ cao tốc đang vận hành thử nghiệm hoặc mới khai thác, được lưu thông vận tốc 90 km/giờ, thay vì 80 km/giờ như hiện nay; trong đó có tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo.
>> Tỉnh là cửa ngõ Sài Gòn chi gần 14.000 tỷ đầu từ tuyến đường nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu