Loại gỗ quý hiếm đứng trước nguy cơ ‘biến mất’ hoàn toàn: Thuộc loại cứng và nặng nhất thế giới, đắt đỏ vẫn được các đại gia thi nhau săn lùng!
Lignum Vitae đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do sự khan hiếm nghiêm trọng, đồng thời, kết hợp với tốc độ phát triển chậm khiến việc tái tạo nguồn cung trở nên vô cùng khó khăn.
Lignum Vitae - cây quốc gia của Bahamas, hiện đang đứng trước nguy cơ “biến mất“ khỏi tự nhiên vì bị khai thác quá mức trong tự nhiên. Đây là loại gỗ cứng nhất trong số các loại gỗ thương mại, với độ cứng Janka lên đến 4.500 pound, vượt xa con số 2.940 pound của gỗ mun đen châu Phi. Điều này minh chứng cho độ bền bỉ và sức mạnh vượt trội của loại gỗ quý hiếm này.
Có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ, Lignum Vitae từng là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng từ thế kỷ 16, chủ yếu sang châu Âu, nhờ đặc tính siêu cứng và bền chắc. Lớp vỏ ngoài mịn màng màu be hoặc xám, kết hợp với trọng lượng nặng, khiến loại gỗ này đặc biệt ở chỗ nó chìm ngay khi rơi xuống nước, khác với hầu hết các loại gỗ khác.
Trong quá khứ, gỗ Lignum Vitae được ứng dụng rất rộng rãi, từ những quả bóng bowling, các ổ trục của tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, cho đến tay cầm dụng cụ, đầu búa vồ hay bóng cricket,... tất cả đều từng sử dụng loại gỗ này. Tuy nhiên, do sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng, các nhà sản xuất ngày nay đã buộc phải tìm kiếm những vật liệu thay thế để bảo vệ loại tài nguyên quý giá này.
Cây Lignum Vitae thuộc nhóm cây lá rộng thường xanh, có tốc độ phát triển rất chậm, hiếm khi vượt qua chiều cao 30 feet (gần 10m). Tuy nhiên, đa phần các cây chỉ cao từ 8 đến 12 feet với tán tròn, tương tự như cây sim. Lá cây có màu xanh đậm, dài từ 1 đến 2 inch và điểm nhấn nổi bật chính là những chùm hoa lớn màu tím xanh, nở rộ nhiều lần trong năm. Khi hoa già, chúng chuyển sang sắc xanh bạc nhạt, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp dưới tán cây.
Bên cạnh hoa tím, cây còn cho ra những quả mọng màu vàng cam hình trái tim, xuất hiện đồng thời với hoa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên rực rỡ và cuốn hút.
Không chỉ nổi tiếng với chất lượng gỗ vượt trội, Lignum Vitae còn từng được sử dụng trong y học để làm dược liệu chữa trị các bệnh đau nhức. Mảnh vụn gỗ của cây còn được dùng để pha trà, một phương pháp dân gian lâu đời và phổ biến.
Với giá trị cao và bị khai thác quá mức, Lignum Vitae đã được liệt vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Việc này làm cho nguồn cung loại gỗ này ngày càng trở nên khan hiếm và được săn lùng ráo riết trên thị trường.