Ngôi nhà dựng từ loại gỗ quý trăm năm không mối mọt: Là điểm đánh dấu trong trận đánh Đông Khê, 9 gian với 5 thế hệ cùng chung sống
Gần đây ngôi nhà này được nhiều du khách quan tâm khi mang nét văn hoá xây dựng độc đáo của người dân tộc Tày.
Tại Cao Bằng có một ngôi nhà sàn cổ được xây dựng công phu tại xã Đức Xuân nổi tiếng trong vùng hơn 100 năm tuổi và lưu giữ nét văn hóa độc đáo dân tộc Tày, hiếm nơi nào có được.
Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1899-1903 của họ tộc ông Nông Hải Dương cho 5 thế hệ cùng sinh sống với nhau. Từ đó đến nay, ngôi nhà sàn 9 gian thôn Tục Ngã vẫn vững chãi qua 5 thế hệ (ông, bố, mẹ, con, cháu, chắt…) của gia tộc nhà ông Dương.
Ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm. Ảnh: Tô Trang |
Nhà sàn này được làm hoàn toàn bằng gỗ, ban đầu có chiều dài 23m, chiều rộng 8,5m với 3 gian. Đến năm 1934, ngôi nhà được gia cố và xây dựng thêm 6 gian liền kề, trở thành kiến trúc độc đáo 9 gian như hiện nay.
>> Tỉnh 'sát vách' Thủ đô lưu ý đặc biệt về dự án chung cư gần 7.000 tỷ
Với 400m2, khung nhà gồm trên 100 cột gỗ, trong đó, có 40 cột chính cao 9m. Hệ thống cột gỗ được nối khớp qua lỗ mộng với vì kèo, xà ngang, cột cao nhất chạy thành 2 hàng.
Điều đặc biệt, các cột gỗ trong nhà nối khớp qua lỗ mộng với kèo, xà ngang. Tất cả được bào nhẵn, nối khít nhau không có khe hở nhỏ. Gỗ quý lâu năm nhẵn bóng, không bị mối, mọt ăn tróc. Bởi vậy ngôi nhà lúc nào trông cũng rất sạch sẽ thoáng mát khang trang.
Giữa các gian không có vách ngăn như nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Tô Trang |
Tầng dưới là khoảng trống để nông cụ sản xuất, chăn nuôi gia cầm; tầng hai là không gian sinh hoạt gia đình, gian giữa nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ tổ tiên, phòng khách, phía sau là bếp; hai bên là buồng riêng. Phía trên cùng là gác xép nhỏ để thóc, ngô, đỗ, lạc…Giữa các gian không có vách ngăn tạo không gian sinh hoạt rộng lớn trong nhà.
Các cụ cao niên trong làng kể lại, ngôi nhà xây dựng mất hơn 4 năm, 5 người khỏe sung sức trong gia đình và hơn 10 người thợ mộc cùng nhau chuẩn bị mới làm xong ngôi nhà sàn gỗ quý này. Ngôi nhà sàn này rất kiên cố để tránh thú dữ, làm kho thóc, bảo đảm an toàn cho gia đình.
Hiện nay ngôi nhà vẫn đang có 5 thế hệ cùng sinh sống. Ảnh: Tô Trang |
Ngoài việc là một ngôi nhà sàn có kiến trúc đặc biệt, nhà sàn 9 gian của ông Dương còn là điểm đánh dấu trong bản đồ của Pháp khi thua trận trên đường Quốc lộ 4, với trận đánh Đông Khê năm 1950. Vì vậy, ngôi nhà trở thành nét văn hóa độc đáo được du khách trong, ngoài tỉnh và người nước đến tham quan.
Cuối tháng 5, Sở Du lịch tỉnh Cao Bằng đã chính thức khai trương và sử dụng ngôi nhà này làm điểm du lịch nhằm phát triển hơn nữa các loại hình tham quan trên địa bàn tỉnh. Trong thôn cũng còn có nhiều ngôi nhà sàn khác cũng được dựng từ lâu đời. Nếu được trùng tu, bảo tồn, đây sẽ là một di sản văn hóa độc đáo thu hút khách tham quan khi đến với ngôi làng của người Tày Cao Bằng.