Loại gỗ Việt Nam giá cả tỷ đồng/khối được quý như "báu vật", người Trung Quốc ráo riết săn lùng, mùi hương quý hiếm bậc nhất
Đây là một loại gỗ quý với giá trị cao, nằm trong top danh sách những loại gỗ có mùi hương thơm quý hiếm bậc nhất hiện nay.
Cây gỗ gù hương là một loài cây lấy gỗ, tỏa ra một mùi hương đặc trưng, được trồng nhiều ở khu vực rừng nhiệt đới. Ở nước ta, cây thường thấy nhiều tại Quảng Trị, Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Nam – Đà Nẵng. Gù hương là tên gọi của miền Bắc, ở miền Nam thì gỗ gù hương được gọi với cái tên thân thuộc hơn là gỗ xá xị do mùi hương của chúng giống nước xá xị.
Cây trưởng thành có chiều cao từ 25m đến 30m. Lá của cây có mùi sả, phiến lá hình bầu dục, trơn và không có lông, phần đầu lá hơi thon nhỏ. Thân cây tròn thẳng, vỏ cây có màu nâu xám. Hoa của cây nhỏ, màu trắng, nhị lép có lông thưa ở gốc. Quả của cây có kích thước khoảng 8 đến 9mm, màu đen.
Gỗ gù hương thuộc nhóm VI trong 8 nhóm gỗ của Việt Nam theo Quyết định số 2198-CNR ngày 26 tháng 11 năm 1977 của Bộ Lâm nghiệp về việc ban hành Bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước.
Khi khai thác cây gỗ gù hương, ta có thể khai thác được khá nhiều bộ phận của cây như lá, rễ, gốc, quả. Theo nghiên cứu trong y học, rễ và thân gỗ gù hương có thể được sử dụng để chữa các bệnh như đau dạ dày, khó tiêu, ho khan,..
Lá của cây còn dùng để cầm máu các vết thương ngoài da. Quả của cây được dùng để trị bệnh sởi và bệnh sốt hiệu quả. Đây cũng là những đặc tính khác biệt của cây gỗ gù hương so với những loại gỗ khác khi hầu như những bộ phận của cây đều có giá trị sử dụng trong đời sống.
Lượng dầu từ thân cây còn được sử dụng làm long não, tinh dầu giúp thư giãn tinh thần với mùi thơm dễ chịu, xua đuổi côn trùng. Mùi thơm đặc trưng của gỗ cũng là một đặc điểm để phân biệt với các loại gỗ khác.
Gỗ gù hương còn được xem là dòng gỗ quý, sang trọng, sử dụng nhiều nhất trong việc sản xuất đồ nội thất và các món đồ trang trí mỹ nghệ bởi những đặc điểm nổi bật của chúng. Gỗ có tính đàn hồi, dẻo dai nên rất dễ dàng trong việc chế tác và điêu khắc để tạo ra những vật dụng trang trí tinh xảo, đa dạng đáp ứng đúng theo yêu cầu từ các khách hàng. Mùi thơm nhẹ nhàng của cây sẽ giúp cải thiện sức khỏe của người sở hữu chúng, giúp tinh thần sảng khoái, thư giãn hơn.
Gốc hoặc rễ của cây cho ra được những khối gỗ to, chắc chắn, có thể chịu được trọng lượng lớn nên được sử dụng để tạo ra những món đồ nội thất có kích thước lớn như bàn, tủ, ghế, sập gỗ.
Nội thất được làm từ gỗ gù hương khi sử dụng càng lâu sẽ cho ra màu càng trầm sang trọng. Bên cạnh đó, với đường vân gỗ mịn, sắc nét sẽ tạo ra những món đồ nội thất giúp cho không gian sống trở nên tinh tế, cao cấp và có giá trị thẩm mỹ hơn. Đây cũng chính là lý do làm cho hội những người chơi gỗ luôn ưu ái và săn lùng những món đồ được làm từ gỗ gù hương. Các món nội thất bằng gỗ gù hương có tuổi đời càng cao sẽ có giá trị càng lớn.
Có thời điểm gỗ gù hương “hot” tới mức được các thương lái Trung Quốc thu mua với mức giá từ hàng trăm cho đến cả tỷ đồng một khối gỗ. Những bộ bàn ghế làm từ gỗ gù hương vì thế mà có giá trị rất cao. Tuy nhiên, cây gù hương ngày càng hiếm do khả năng tái sinh của cây kém và thường xuyên bị khai thác để lấy gỗ nên số cây còn lại rất ít.
Theo Nghị định số 06/2019//NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì gỗ gù hương thuộc nhóm II là nhóm thực vật bị đe dọa tuyệt chủng nếu bị khai thác quá mức. Vì thế mà hiện nay người ta rất ít khai thác loại gỗ này.
Theo nhiều người dân tại tỉnh Yên Bái, cách đây nhiều năm, phong trào nấu tinh dầu gù hương tại chốn non cao vẫn còn vượng phát. Mạnh nhất là các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên... Gù hương được nấu để lấy tinh dầu bán ra nước ngoài làm thuốc chữa bệnh. Hồi đó, ven đường đầy những lò nấu tinh dầu thơm phức. Nhà nhà, người người nấu tinh dầu gù hương. Phong trào phát triển mạnh hơn cả nghề nấu tinh dầu quế hiện nay.
Thị trường tiêu thụ tinh dầu gù hương mạnh nhất là Trung Quốc. Nhiều người đồn thổi rằng, người phương Bắc thu mua tinh dầu gù hương về làm thuốc chữa bệnh, có người lại nói họ lấy về để làm hương liệu.
Vì nghề nấu tinh dầu gù hương phát triển quá nóng dẫn đến loài gỗ này bị khai thác đến mức tàn kiệt. Đến khoảng những năm 1995, loài cây này gần như vắng bóng trên nhiều “thánh địa” gù hương. Nhưng nghề vẫn tồn tại. Ban đầu, người ta chặt cây ở những cánh rừng ven khu dân cư, rồi dần dần họ rủ nhau vào tận rừng sâu, đốn hạ những cây gù hương có đường kính lên đến 2m.
Chỉ cần đốn hạ được một cây như vậy thì một gia đình nấu nửa năm chưa hết. Cứ như thế, người dân phải vào rừng nhiều ngày liền để săn gù hương. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, nhiều người đã phải bỏ mạng vì sốt rét rừng, bị gỗ đè chết... “Hết nạc vạc đến xương”, người dân quay sang bới đất đào gốc những cây gù hương đã chặt trước đó. Một thời gian sau, gốc cũng hết và nghề nấu tinh dầu gù hương cũng biến mất. Đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái không còn gia đình nào nấu loại tinh dầu thứ thiệt này.
Thật may là loại gỗ gù hương quý hiếm này vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Trên địa bàn các huyện Lục Yên, Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) vẫn còn lác đác chục cây gỗ gù hương. Đặc biệt, ngoài những cây gù hương khoảng 40 năm tuổi thì trên địa bàn huyện Lục Yên vẫn còn một cây khác có đường kính bằng 2 người ôm và theo lời dân bản địa thì cây gù hương đại thụ này đã trăm năm tuổi.
Hiện nay, các cá thể gù hương còn lại rất ít và rải rác, chính vì vậy mà chúng ta cần ra sức bảo vệ để góp phần giúp loài cây này có thể phục hồi trong tương lai.
Tòa tháp gỗ 300 năm tuổi của Việt Nam cao 8m, nặng 4 tấn, là cổ vật có giá trị đặc biệt
'Thủ phủ' ngành gỗ Việt Nam sắp kín đơn hàng cả năm, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 4,2 tỷ USD