Loại quả bán đầy chợ Việt chứa 13 hợp chất giúp chống ung thư, cả vỏ cả ruột đều tốt cho sức khỏe
Vỏ loại quả này chứa một dưỡng chất thực vật mạnh mẽ có tên nasunin, hoạt động như một chất chống oxy hóa.
Cà tím (tên khoa học: Solanum melongena) là một loại cây thuộc họ cà (Solanaceae), được trồng chủ yếu để lấy quả làm thực phẩm. Quả cà tím có hình dáng thuôn dài hoặc tròn, vỏ ngoài thường có màu tím đặc trưng, nhưng cũng có những loại có vỏ màu trắng, xanh hoặc vàng. Cà tím được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực khắp thế giới nhờ mềm, hương vị ngon, dễ chế biến và khả năng kết hợp với nhiều nguyên liệu khác.
Trong quả cà tím có 13 loại hợp chất phenolic có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư. Loại thực phẩm này có nhiều chất chống oxy hóa, giúp tiêu diệt các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng, bạn nên ăn cà tím cả vỏ, vì nghiên cứu cho thấy lớp vỏ chứa nhiều chất xơ hơn so với phần ruột.
Đặc biệt, vỏ cà tím còn chứa một dưỡng chất thực vật mạnh mẽ có tên nasunin, hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ màng tế bào khỏi tổn hại. Trong các nghiên cứu trên động vật, nasunin đã được chứng minh có khả năng bảo vệ chất béo trong màng tế bào não (não của con người chứa khoảng 60% chất béo), giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại và bảo vệ cấu trúc tế bào.
Ngoài ra, cà tím còn chứa axit chlorogenic, giúp bảo vệ DNA khỏi đột biến và có đặc tính chống ung thư. Axit này cũng có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn, giúp giảm cholesterol xấu (LDL cholesterol), góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên, chất solanine trong cà tím vừa có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư, nhưng cũng có khả năng kích thích trung tâm hô hấp. Vì vậy, khi ăn quá nhiều cà tím, có thể gây ra độc tính.
Để giảm thiểu hàm lượng solanine, khi chế biến, bạn nên cho thêm một chút giấm vào món ăn để giúp thúc đẩy sự phân hủy của chất này. Đặc biệt, tránh uống nước ép cà tím chưa được nấu chín vì nguy cơ ngộ độc rất cao. Lời khuyên là chỉ nên ăn cà tím từ 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 100-200g và luôn đảm bảo cà tím được nấu chín.
Khi chế biến, tránh nấu cà tím ở nhiệt độ quá cao vì điều này có thể làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Việc chiên rán cũng không được khuyến khích vì có thể làm mất đến 50% lượng vitamin có trong cà tím. Ngoài ra, bạn không nên bỏ vỏ cà tím khi ăn, vì vỏ chứa nhiều vitamin nhóm B và vitamin C có lợi cho sức khỏe.
Những người mắc bệnh dạ dày nếu ăn quá nhiều cà tím có thể gặp phải triệu chứng tiêu chảy nặng. Người bị thấp khớp hoặc đau nhức khi trời lạnh cũng không nên ăn cà tím thường xuyên. Đặc biệt, người mắc bệnh hen suyễn hoặc các bệnh về thận cần tránh tiêu thụ quá nhiều cà tím vì trong cà có chứa oxalate, một loại axit có thể gây ra sỏi thận khi tiêu thụ ở mức độ cao.
>> Loại quả mọc dại ở Việt Nam nằm trong nhóm thực phẩm phòng ngừa ung thư tốt nhất