Tuần qua là một tuần giao dịch mang nhiều cảm xúc tiêu cực và hoảng loạn cho nhà đầu tư cổ thép, khi chứng kiến tình trạng nhóm này đã đỏ lửa cả tuần dù thị trường có diễn biến tích cực. Tính từ đỉnh cao nhất khoảng giữa cuối tháng 10/2021, đến thời điểm đóng cửa phiên 19/11/2021, giá các cổ phiếu ngành thép đã giảm mạnh từ 17 - 27%.
Kết tuần giao dịch, VN-Index giảm 21,02 điểm, tương đương 1,43%, xuống 1.452,35 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12% lên 174.587 tỷ đồng, khối lượng tăng 10,5% lên 5.871 triệu cổ phiếu. HNX-Index tăng 12,34 điểm, tương đương 2,79%, lên 453,97 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,4% lên 24.818 tỷ đồng, khối lượng tăng 16,3% lên 982 triệu cổ phiếu.
Tuần qua là một tuần giao dịch mang nhiều cảm xúc tiêu cực và hoảng loạn cho nhà đầu tư cổ thép, khi chứng kiến tình trạng nhóm này đã đỏ lửa cả tuần dù thị trường có diễn biến tích cực.
SMC của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC là cổ phiếu thép giảm mạnh nhất với mức giảm 16,50%, qua đó kéo giá cổ phiếu từ 50.300 đồng/CP xuống chỉ còn 42.000 đồng/CP. Không chỉ trong tuần qua, SMC đã lao dốc kể từ đầu tháng 11, đến nay, cổ phiếu giảm sâu gần 28%. SMC chỉ ghi nhận 2 phiên tăng duy nhất trong tháng vào ngày 4/11 và 12/11, còn lại là chìm trong sắc đỏ.
Mã HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng có diễn biến tương tự với mức giảm 16,11%. HSG giảm điểm suốt cả tuần và chốt giá 37.500 đồng/CP vào phiên ngày 18/11. Từ mức đỉnh 49.850 đồng vào ngày 18/10, đến nay, HSG đã giảm tương đương 25%.
Không tránh khỏi tình trạng chung, mã NKG của CTCP Thép Nam Kim đã bốc hơi 15,75% từ 49.850 đồng/CP xuống 42.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kể từ vùng đỉnh 56.000 đồng/CP vào gần cuối tháng 10, NKG cũng giảm tới 25%, tương đương với đà lao dốc của HSG.
Tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ra mạnh cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Giới đầu tư không khỏi hốt hoảng khi chứng kiến mã này liên tục lao từ vùng đỉnh 58.000 đồng vào cuối tháng 10 xuống mức 48.000 đồng (chốt phiên ngày 19/11), tương đương giảm 20,8%. Riêng tuần qua, HPG giảm 12,09%.
Tiếp nối đà giảm chung của các cổ phiếu thép, TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên bay hơi 13,85%; TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam giảm 13,20%; TIS của CTCP Gang thép Thái Nguyên cũng giảm 10,46%,…
Giá thép có dấu hiệu hạ nhiệt
Sau giai đoạn tăng phi mã do sự gián đoạn nguồn cung cũng như nhu cầu tiêu thụ, giá thép toàn cầu đã quay đầu giảm.
Ở Mỹ, giá thép HRC tăng mạnh từ năm ngoái đến đỉnh hồi cuối tháng 8 và bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ đến nay. Giá đóng cửa ngày 19/11 là 1.490 USD/tấn, giảm 45,6 USD/tấn hay giảm 2,97% so với mức giá cuối tháng 9 là 1.535,67 USD/tấn.
Ở Bắc và Tây Âu, giá thép HRC ổn định trong tháng 10, đầu tháng 11 giá thép tăng từ 1.122 USD/tấn lên 1.182 USD/tấn và từ giữa tháng 11 đi xuống, giá ngày 18/11 là 1.083 USD/tấn. Giá mới nhất giảm 3,3% so với giữa tháng 10.
Trong khi đó, tại Trung Quốc – công xưởng sản xuất 50% lượng thép thế giới, giá thép HRC đã giảm khoảng 20%.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, giai đoạn gần đây, giá thép trên thị trường quốc tế đang sụt giảm mạnh. Đơn cử như giá của một hợp đồng tương lai thép cán nóng đã giảm gần 20% so với cùng thời điểm giữa tháng 10.
Ông Khoa cho rằng, nguyên nhân dẫn đến giá thép giảm chủ yếu do tình trạng mất cân đối cung cầu, thứ vốn làm giá thép tăng mạnh trước đó đã quay về mức cân bằng.
Riêng tại thị trường Trung Quốc, S&P Global Platts nhận định giá thép Trung Quốc giảm do nhu cầu thép giảm mạnh hơn đà giảm của sản lượng, nhất là nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng và Trung Quốc cũng sắp bước vào giai đoạn thấp điểm vì thời tiết giá lạnh. Đặc biệt, thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đang chững lại trước cú sốc “Evergrande” cùng với những biện pháp siết chặt từ Chính phủ.
Tuy nhiên, biện pháp này cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể, khiến các thành viên thị trường lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất khẩu thép ra bên ngoài và giá thép thế giới có thể giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới.
Định giá các cổ phiếu thép hấp dẫn?
Cách đơn giản được nhiều nhà đầu tư sử dụng để định giá cổ phiếu là dùng hệ số P/E (Giá trên lãi mỗi cổ phiếu) và tham chiếu tỷ suất P/B (giá trên giá trị sổ sách mỗi CP). Nếu cổ phiếu có P/E thấp hơn so với bình quân ngành, với chính nó trong quá khứ, và thị trường chung được xem là rẻ. Nếu cổ phiếu có mức rủi ro bình thường, thanh khoản tốt (như HPG, HSG, NKG, SMC) và P/E thấp hơn 10 (nhất là P/E tương lai quý, năm tới) nên xem xét mua, nếu P/E dưới 7 được coi là rẻ. P/B càng thấp, càng rẻ.
P/E của SMC đang thuộc hạng thấp nhất thị trường chỉ có 2,59 lần. Thị giá ngày 19/11 của SMC là 42.000 đồng so với giá trị sổ sách của nó tại ngày 30/9 là 40.091 đồng. Như vậy, tỷ suất P/B chỉ là 1,05 lần.
Tương tự, HSG có EPS 4 quý là 8.818 đồng/cổ phiếu với thị giá 37.500 đồng thì hệ số P/E chỉ là 4,25 lần và P/B chỉ là 1,7 lần. NKG có P/E chỉ 4,76 lần và P/B là 1,77. TLH có P/E là 4 lần và P/B chỉ 1,15 lần. HPG có P/E là 6,78 lần và P/B là 2,55 lần.
Có thể thấy 5 cổ phiếu thép điển hình hiện đang có các chỉ số định giá hấp dẫn khi so sánh với chính nó trong quá khứ nhiều năm, so với bình quân của ngành tài nguyên cơ bản trong đó có thép, hiện tại P/E là 11,1 lần và P/B là 2,6 lần còn nếu so với bình quân 3 năm gần nhất của ngành tài nguyên cơ bản P/E là 12,5 và P/B là 1,6 lần; so với bình quân toàn thị trường, P/E là 17,28 lần và P/B là 2,73 lần. Nếu bạn gửi tiết kiệm với lãi suất 5%/năm thì P/E là 20 lần (=100/5).
Nếu tính P/E forward hết 31/12/2021 các cổ phiếu thép sẽ trở nên hấp dẫn hơn do EPS 4 kết thúc 31/12 so với kết thúc ngày 30/9 sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 14%. Lúc đó P/E của HPG có thể chỉ còn 5,59 lần; HSG còn 3,88, NKG còn 3,81, SMC còn 2,53 và TLH còn 3,65 lần.
Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát
Hòa Phát (HPG) cung cấp 10.000 tấn ống thép cho 'siêu dự án' lớn nhất Đông Nam Á của Vingroup