Theo Bộ Công Thương, đây không phải hiện tượng phổ biến trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt đông thương mại 10 tháng đầu năm mới công bố, liên quan đến công tác quản lý xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP. HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
“Hiện tượng này không phải phổ biến, chỉ một số cửa hàng đóng cửa tại một số địa bàn trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động”, Bộ Công Thương cho biết.
Về nguyên nhân cho hiện tượng này, theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.
Ngoài ra, do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.
Bên cạnh đó, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước.
Cùng với đó chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.
Nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới cũng đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước Châu Âu, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới…
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không có vốn nhập hàng
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trước đây khi nguồn hàng dồi dào, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ nhập hàng vào buổi đêm nên không ảnh hưởng nhiều đến bán hàng. Thời điểm này, lượng hàng nhập về không nhiều, việc lấy hàng tại kho của các đầu mối gặp khó do cứ có xe téc về là nhập hàng ngay để bán.
Hiện, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội bình quân 1 tháng khoảng 146.500m3; trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.500m3, dầu khoảng 48.750m3. Hiện nay, 73% nguồn hàng xăng dầu cung cấp cho thị trường Hà Nội là từ các doanh nghiệp đầu mối và công ty thành viên, 27% nguồn hàng từ những thương nhân phân phối.
Việc thiếu hụt hàng hiện nay còn có lý do bởi các doanh nghiệp phân phối bán lẻ đang chịu lỗ kéo dài, không còn vốn để nhập nhiều hàng, chỉ nhập ít hàng để đảm bảo mở cửa kinh doanh theo quy định.
Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết thêm, các cây xăng bán cầm chừng chủ yếu là do nguồn cung. Vừa qua, Cục QLTT đã yêu cầu các đội địa bàn giám sát chặt chẽ các cây xăng trên địa bàn. Khi cửa hàng báo hết xăng, đội QLTT sẽ tiến hành đo bể, xác định không còn xăng mới cho nghỉ để chờ nhập hàng. Qua kiểm tra, không có hiện tượng "găm hàng".
Tại kỳ điều hành chiều 1/11, Liên Bộ Tài chính - Công Thương công bố giá xăng E5 RON 92 xăng E5 tăng 380 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít.
Như vậy sau khi điều chỉnh, xăng E5 có giá bán là 21.870 đồng/lít, giá xăng RON95 là 22.750 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít, giá bán là 25.070 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 120 đồng/lít, giá bán là 23.780 đồng/lít.
Với lần tăng này, giá xăng trong nước có lần tăng thứ 3 liên tiếp trong vòng một tháng.
Giá xăng dầu trong nước tăng lần thứ 3 liên tiếp
Xem thêm các bài viết liên quan: #giá xăng dầu #giá xăng dầu trong nước #thị tường xăng dầu #nguồn cung xăng dầu
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít