Loạt 'đại bàng' Hàn Quốc 'đổ bộ': Một tập đoàn bán dẫn muốn rót 1 tỷ USD vào tỉnh nhỏ nhất Việt Nam
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã liên tục đón các dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn Hàn Quốc.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện các Bộ, Ngành hai bên đã ký kết 23 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, xây dựng khu công nghiệp, công nghệ bán dẫn, y dược, hàng không, logistics, công nghệ thông tin, cơ khí…
Trong đó, Tập đoàn Sovico và Tập đoàn Hyosung muốn hợp tác nghiên cứu và triển khai đầu tư và phát triển bền vững; phát triển và đầu tư vào trung tâm dữ liệu, công nghệ tài chính, năng lượng tái tạo, tài chính, thành phố thông minh, logistics và các lĩnh vực kinh doanh bất động sản khác.
Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) và Tập đoàn dược phẩm Celltrion, Inc. (Celltrion) đã ký kết biên bản ghi nhớ về thành lập một công ty sản xuất các sản phẩm dược sinh học, dược phẩm tại Việt Nam cung cấp cho thị trường Việt Nam và các thị trường khác.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn MHGroup và Công ty TNHH UNISCAN ký biên bản ghi nhớ trị giá lên đến 600 triệu USD trong 5 năm.
Đáng chú ý, cũng tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C với mức vốn tăng thêm hơn 1,07 tỷ USD.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam (tại KCN Yên Phong II-C) có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm. Thời gian hoạt động của dự án tính từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 11/9/2068.
Nhà máy sẽ tiến hành sản xuất thử nghiệm từ quý I/2025 đến quý II/2025; bắt đầu sản xuất chính thức từ quý III/2025 và đạt công suất tối đa từ quý IV/2035.
>> 'Mùa thiếu điện' sắp đến, điện lực miền Bắc họp khẩn với Samsung Việt Nam
Với diện tích 822,7km2, Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất cả nước. Tuy là tỉnh có diện tích nhỏ nhất nhưng Bắc Ninh lại có mật độ dân số cao thứ 2 cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.Hiện tại, Bắc Ninh cũng là tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất miền Bắc với 15 khu công nghiệp.
Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng ký kết Biên Bản ghi nhớ với Tổng Công ty Nhà đất Hàn Quốc về Phát triển đô thị khu vực Đông Nam thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tiếp nối chương trình đối tác tăng trưởng đô thị trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ Hàn- Việt. Nội dung và phạm vi hợp tác nhằm nghiên cứu, trao đổi và hợp tác xây dựng ý tưởng quy hoạch, lộ trình đầu tư, kế hoạch khai thác, vận hành để thúc đẩy thực hiện thành công Khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu.
Trước đó, ngày 1/7, tại buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng tập đoàn kinh doanh rất thành công và hiệu quả ở Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, cùng với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/8 sẽ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến định giá đất. Thủ tướng mong Lotte tiếp tục mở rộng đầu tư với mô hình Lotte Mall ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Cùng ngày, Chủ tịch Tâp đoàn Hyosung Corp, Cho Hyun Joon và Chủ tịch Tập đoàn Hyosung HS, Cho Hyun Sang cũng đã gặp gỡ và mong muốn Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn về kinh tế.
Về Hyosung, hồi tháng 6/2023, khi tham gia đoàn kinh tế cùng Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam, tập đoàn cũng đặt mục tiêu 100 năm của tập đoàn tại Việt Nam.
Hưởng lợi nhiều cơ chế đặc thù, thu hút FDI của Khánh Hòa vẫn 'hụt hơi'
Tỉnh sở hữu nhiều khu công nghiệp nhất cả nước: Đứng thứ 3 vùng Đông Nam Bộ về thu hút FDI