Nhu cầu tín dụng ở Trung Quốc có thể vẫn sẽ yếu đi, ngay cả khi dịch bệnh đã bắt đầu lắng dịu và nhiều thành phố dần mở cửa trở lại.
Tháng 4/2022, tăng trưởng cho vay tại Trung Quốc đã suy yếu xuống mức tồi tệ nhất trong gần 5 năm. Hiện giờ, một số chỉ số cho thấy dữ liệu của tháng 5 cũng không khả quan hơn.
Doanh số bán nhà tiếp tục lao dốc, cho thấy người dân không mặn mà đi vay thế chấp để mua nhà và các công ty địa ốc cùng những ngành nghề liên quan cũng không có nhu cầu tín dụng.
Trong bối cảnh phải vật lộn để tìm đủ khách hàng, các ngân hàng lớn nhỏ tại thị trường tỷ dân đã hoán đổi tài sản với nhau để đáp ứng các yêu cầu của chính quyền trung ương về cho vay doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp tại Trung Quốc ngần ngại đi vay phần lớn bắt nguồn từ các hạn chế COVID của Bắc Kinh và nguy cơ bị phong tỏa diện rộng như Thượng Hải nếu đại dịch tái bùng phát.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải tạm dừng sản xuất hoặc buộc phải cắt giảm nhân sự; trong khi doanh thu sụt giảm và lợi nhuận lao dốc. Một loạt công ty thậm chí còn trì hoãn kế hoạch mở rộng.
Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao tại ngân hàng ANZ, cho hay: “Nhu cầu tín dùng trì trệ cho thấy niềm tin của doanh nghiệp không mấy khả quan, dẫn đến việc mở rộng kinh doanh chậm lại”.
Điều đó càng chứng mình rằng triển vọng phục hồi của Trung Quốc có thể vẫn còn yếu ngay cả khi nền kinh tế bước sang quý III/2022, vì nhiều hoạt động đầu tư chỉ có thể bắt đầu sau khi doanh nghiệp nhận được khoản vay.
Kịch bản nêu trên cũng là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã kêu gọi các nhà băng “dốc hết sức” cho vay. PboC cũng thúc giục các ngân hàng giảm lãi suất thế chấp và ổn định hoạt động cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Kết quả là, hệ thống tài chính Trung Quốc đang ngập trong tiền mặt và bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào từ ngân hàng trung ương – chẳng hạn như hạ lãi suất và bơm thanh khoản, nhiều khả năng sẽ không mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.