Loạt quy định mới về cho vay nặng lãi có hiệu lực từ năm 2022

17-01-2022 10:03|Hoàng Yến

Nghị định 144/2021/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ 01/01/2022 đã quy định cụ thể hơn về các trường hợp và mức xử phạt đối với các hành vi cho vay nặng lãi và cầm cố tài sản với lãi suất cao, thắt chặt hơn so với quy định trước đây là Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định này hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định nhiều mức phạt mới trong đó có liên quan đến vấn đề cho vay nặng lãi và cầm cố tài sản với lãi suất cao.

Theo đó Nghị định mới quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi:

- Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Điều này đồng nghĩa với việc kể từ nay, các hoạt động kinh doanh cho vay lấy lãi vượt mức 20%/năm so với quy định của luật dân sự 2015, cho vay hay cầm đồ lấy lãi mà không đăng ký kinh doanh, và lợi dụng các hành vi tổ chức họ (hụi) cho vay lãi nặng vượt quá 20%/năm sẽ bị xử phạt với mức cao nhất là 20 triệu đồng.

So với nghị định trước đây thì nghị định mới đã gia tăng mức phạt và quy định chặt chẽ hơn. Trong khi trước đây khung hình phạt chỉ là từ 5-15 triệu đối với hành vi cầm cố tài sản vượt quá lãi suất 150% mức lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đã có hướng dẫn chi tiết xác định số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay nặng với Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP. Theo đó, Nghị quyết này quy định như sau:

- Trường hợp cho vay nặng lãi đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự gồm tiền lãi và các khoản thu trái phép mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay.

- Trường hợp cho vay lãi nặng chưa hết thời hạn vay theo thỏa thuận mà bị phát hiện thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn.

- Trường hợp bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều này có nghĩa là sau khi trừ đi mức lãi suất cao nhất theo quy định Bộ luật Dân sự, tất cả nghĩa vụ nợ của người vay đối với người cho vay theo thỏa thuận cho vay nặng lãi dù đã trả trước, trả sau hay chưa trả hết đều được xác định là khoản tiền cho vay bất chính và sẽ được xem xét để xử phạt.

‘Ông trùm’ người Trung Quốc cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi 2.190%/năm

Công an 'tìm' nạn nhân của nhóm đối tượng từ Hà Nội vào Quảng Bình ‘hành nghề’ cho vay nặng lãi

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loat-quy-dinh-moi-ve-cho-vay-nang-lai-co-hieu-luc-tu-nam-2022-131271.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Loạt quy định mới về cho vay nặng lãi có hiệu lực từ năm 2022
POWERED BY ONECMS & INTECH