Thế giới

Loạt thuế quan mà ông Trump vừa kích hoạt cao nhất trong 100 năm, nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ

Thanh Lê 09/04/2025 - 13:42

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức triển khai loạt thuế quan "có tính đối ứng", giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu khi ông tiếp tục nỗ lực tái định hình trật tự thương mại quốc tế.

Vài giờ trước khi các biện pháp thuế quan chính thức có hiệu lực lúc 12:01 sáng ngày 9/4 theo giờ Washington (tức 11h01 theo giờ Việt Nam), Nhà Trắng đã khẳng định rằng các mức thuế mới sẽ được áp dụng, dập tắt mọi đồn đoán từ thị trường về khả năng có sự trì hoãn vào phút chót.

Động thái này đẩy mức thuế lên cao nhất trong hơn một thế kỷ và làm dấy lên nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện nếu các quốc gia khác đáp trả bằng việc áp thuế lên hàng hóa Mỹ.

z6487303487289_0534164e9833266393f5ba9b8e599063.jpg
Trung Quốc đã tỏ ra bất chấp trước mức thuế quan của Trump và tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng”

Ông Trump đã áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc với mức cao nhất lên tới 104%, đồng thời áp dụng thuế nhập khẩu với khoảng 60 đối tác thương mại có thặng dư với Mỹ.

Trước đó, mức thuế cơ bản 10% đã bắt đầu áp dụng từ ngày 5/4 cho phần lớn đối tác thương mại của Mỹ. Các nước châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó Campuchia và Việt Nam lần lượt đối mặt với mức thuế 49% và 46%. Hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu cũng bị đánh thuế ở mức 20%.

“Tôi gọi đó là dòng tiền đang đổ vào Mỹ ở mức chưa từng có. Điều này sẽ tuyệt vời cho chúng ta và cũng tốt cho các nước khác. Chúng ta đã bị lợi dụng quá lâu rồi”, ông Trump phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm đã tăng hơn 20 điểm cơ bản, lên 4,98%, trong khi thị trường chứng khoán châu Á giảm lần thứ tư trong năm phiên gần đây. Thị trường Mỹ dao động mạnh hôm thứ Ba: tăng điểm khi ông Trump nhắc đến đàm phán với Hàn Quốc, rồi nhanh chóng quay đầu giảm sau khi chính quyền xác nhận kế hoạch áp thuế lớn lên Trung Quốc sẽ được thực hiện.

z6487303458470_65795ef7885d02911d2eb481ea7036de.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Các mức thuế đối với Trung Quốc bao gồm: 20% liên quan đến nạn buôn bán fentanyl, 34% là thuế "đối ứng" tính theo cán cân thương mại song phương, cùng mức 50% bổ sung được Trump công bố sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế hàng xuất khẩu từ Mỹ.

Ông Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán giảm thuế với các đồng minh.

Đại diện từ Nhật Bản và Hàn Quốc đang đến Mỹ để thảo luận. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc gặp với Trump đầu tuần này, trong khi Thủ tướng Ý Giorgia Meloni sẽ đến Washington vào tuần tới.

“Chúng tôi đang làm tốt. Tôi gọi đó là các thỏa thuận ‘đo ni đóng giày’, không phải ‘mua sẵn ngoài tiệm’,” ông Trump nói. “Đôi khi bạn phải ‘khuấy động mọi thứ một chút’”.

Tuy vậy, nguy cơ với kinh tế toàn cầu ngày càng rõ rệt khi Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu đến cùng”. Căng thẳng leo thang khiến khả năng hai nhà lãnh đạo là Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm trở nên xa vời, làm gia tăng rủi ro về một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định Bắc Kinh có đủ công cụ chính sách để “hoàn toàn bù đắp” các tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Các cường quốc khác cũng bắt đầu đáp trả. Canada đã áp thuế đối ứng 25% đối với xe hơi nhập từ Mỹ chỉ một phút sau khi thuế của Trump có hiệu lực. Pháp và Đức đang thúc đẩy một phản ứng cứng rắn từ phía châu Âu.

Trong khi ông Trump cho rằng kế hoạch thuế quan sẽ giúp hồi sinh sản xuất nội địa và thúc đẩy tăng trưởng, giới tài chính và nhiều nghị sĩ, đang lo ngại tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.

Đại diện Thương mại Mỹ, Jamieson Greer, trả lời rằng kế hoạch của Tổng thống sẽ đi vào thực hiện song song với các cuộc đàm phán ngay lập tức với các đối tác.

z6487303432984_23829d659d9131a2227fc030b88ab727.jpg
Thuế quan của ông Trump ở mức cao nhất kể từ năm 1909

Từ khi công bố kế hoạch, chính quyền Trump liên tục đưa ra những tín hiệu trái chiều. Một số cho rằng các mức thuế này nhằm mở đường đàm phán để các nước hạ rào cản thương mại, và có thể Trump sẽ giảm thuế trở lại. Tuy nhiên, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã nhiều lần khẳng định ông Trump không dùng thuế như một "chiêu trò thương lượng".

Đối với ông Trump, đây là cách để khôi phục sức mạnh nước Mỹ, tái thiết ngành sản xuất và giành các nhượng bộ địa chính trị từ đối thủ.

Ngoại giao cấp tốc

Các nước chịu ảnh hưởng đang gấp rút tìm kiếm điều kiện thuận lợi hơn và tính toán phản ứng trước thời hạn 9/4. Một quan chức cấp cao Việt Nam đã đến Washington để vận động giảm một trong những mức thuế cao nhất. Đại diện Việt Nam đã bày tỏ với phía Mỹ rằng họ đang nỗ lực điều chỉnh cán cân thương mại.

Ông Trump cho biết đã trao đổi với quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo về thặng dư thương mại, thuế quan, đóng tàu và kế hoạch mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Ông cũng nhắc đến dự án chung về đường ống dẫn khí tại Alaska và chi phí quốc phòng Mỹ đang gánh cho Hàn Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã gọi điện cho ông Trump để thúc giục ông xem xét lại cách tiếp cận của mình.

EU đang cân nhắc bước tiếp theo sau khi ông Trump từ chối đề xuất loại bỏ thuế song phương với hàng hóa công nghiệp, cho rằng điều đó “chưa đủ để thiết lập lại quan hệ thương mại”.

Một loạt lãnh đạo tài chính đã chỉ trích kế hoạch thuế quan, trong đó CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon cảnh báo về sự “chia rẽ thảm họa” trong các liên minh kinh tế dài hạn của Mỹ. Nhà đầu tư Bill Ackman cũng thể hiện lo ngại trên mạng xã hội, dù sau đó nói vẫn ủng hộ chiến lược thuế nhưng kêu gọi tạm dừng để đánh giá lại.

Một số căng thẳng nội bộ cũng bắt đầu lộ diện. CEO Tesla Elon Musk đã gọi Peter Navarro là “đồ ngốc” sau khi bị ông này gọi là “thợ lắp ráp ô tô” thay vì “nhà sản xuất xe hơi”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt bác bỏ vụ việc, nói rằng “mấy cậu con trai thì hay vậy mà.”

Trump không hề nao núng. Ông tiết lộ sẽ sớm công bố mức thuế mới đối với ngành dược phẩm, đồng thời đe dọa mở rộng thuế với các lĩnh vực như gỗ và chip bán dẫn.

Chính quyền cũng đang lên kế hoạch tăng thuế với các kiện hàng nhỏ từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong – những mặt hàng trước đây được miễn thuế.

Tổng thống và đội ngũ của ông liên tục khẳng định rằng tất cả những điều này sẽ dẫn đến một sự bùng nổ về kinh tế và giúp đảng Cộng hòa giành chiến thắng chính trị.

“Chúng ta sẽ thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Một chiến thắng vang dội, sấm rền”, ông Trump nói với các nhà lập pháp và nhà tài trợ đảng Cộng hòa hôm thứ Ba. “Tôi thực sự tin là vậy”.

>> Mỹ áp thuế 90% với hàng giá rẻ của Trung Quốc, nhắm thẳng vào Shein, Temu

Chứng khoán châu Á đỏ lửa khi thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực, Nikkei 225 mất hơn 3%

Thuế đối ứng của Mỹ vừa chính thức có hiệu lực, một quốc gia châu Á lập tức hạ lãi suất

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/loat-thue-quan-ma-ong-trump-vua-kich-hoat-cao-nhat-trong-100-nam-nguy-co-chien-tranh-thuong-mai-bung-no-140075.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Loạt thuế quan mà ông Trump vừa kích hoạt cao nhất trong 100 năm, nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ
    POWERED BY ONECMS & INTECH