Trước giờ G, Giáo sư Mỹ hiến kế giúp Việt Nam đối phó mức thuế 46% từ Mỹ
Chỉ vài giờ trước thời điểm Mỹ dự kiến áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam, Giáo sư David Dapice đưa ra góc nhìn toàn diện về quan hệ thương mại giữa hai nước. Ông phân tích bản chất vấn đề thâm hụt và cơ hội đàm phán mà Việt Nam có thể tận dụng.
Giáo sư David Dapice hiện giảng dạy tại Đại học Tufts (Mỹ). Ông có nhiều năm công tác tại Trường Kennedy, Đại học Harvard và từng đảm nhiệm vai trò Cố vấn trưởng cho Bộ Tài chính Indonesia trong giai đoạn đất nước này tăng trưởng thần tốc.
Từ cuối những năm 1980, GS. Dapice đã theo sát chuyển động của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chính sách tài khóa, đầu tư công và phát triển vùng.
Trước những diễn biến phức tạp của chính sách thuế quan mới từ Mỹ, cũng như chỉ còn vài tiếng nữa là quyết định áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực, GS. Dapice đã đưa ra phân tích toàn diện về bản chất thâm hụt thương mại Mỹ - Việt, các yếu tố địa chính trị chi phối chính sách thuế quan và những dư địa đàm phán mà Việt Nam có thể tận dụng để giảm thiểu rủi ro kinh tế – đối ngoại.
Thâm hụt thương mại dưới góc nhìn Mỹ và ứng xử chủ động của Việt Nam
Theo GS. Dapice, căng thẳng thương mại hiện nay bắt nguồn từ cách Mỹ nhìn nhận tình trạng thâm hụt thương mại hàng hóa kéo dài – một hiện tượng đã bắt đầu từ giữa thập niên 1970.
Vào thời điểm đó, Mỹ gia tăng mạnh nhập khẩu từ châu Á, trong khi đồng USD ngày càng được các Ngân hàng Trung ương và tổ chức tài chính quốc tế sử dụng như đồng tiền dự trữ và thanh toán toàn cầu. Cùng với việc duy trì các chính sách tài khóa nới lỏng, những yếu tố này đã góp phần hình thành thâm hụt thương mại hàng hóa kéo dài đến ngày nay.
Tổng thống Donald Trump coi khoản thâm hụt này là bằng chứng cho một “trật tự thương mại không công bằng” và lựa chọn sử dụng thuế quan như một công cụ để điều chỉnh.
“Nếu mục tiêu là mở đường cho đàm phán, từ đó đạt một cơ chế thương mại công bằng hơn, thì vẫn còn hy vọng. Nhưng nếu ông ấy thực sự muốn xóa bỏ thâm hụt song phương với từng quốc gia, thì đó là điều bất khả thi nếu không kèm theo siết chặt chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ để làm suy yếu đồng USD – điều vừa không mong muốn, vừa khó đạt được”, GS. Dapice phân tích.
Trong bối cảnh Mỹ liên tục bày tỏ quan ngại về mất cân đối thương mại, ông Dapice chỉ ra Việt Nam đã có nhiều bước đi chủ động nhằm thể hiện thiện chí và trách nhiệm trong quan hệ song phương vào những năm qua.

Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong thập niên qua không đến từ chính sách đẩy mạnh xuất khẩu một cách chủ động, mà chủ yếu là hệ quả từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Xu hướng này bắt đầu từ đầu những năm 2010 do chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao và tăng tốc mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Trong quá trình đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Nike – những doanh nghiệp chủ động tìm kiếm địa bàn sản xuất thay thế.
Việt Nam cũng đã thể hiện sự hợp tác rõ ràng với phía Mỹ trong việc ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Những nỗ lực này phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo môi trường thương mại minh bạch, phù hợp với các nguyên tắc công bằng và bền vững.
Mỹ đang “phân hóa” cách tiếp cận chính sách thương mại với Việt Nam
Theo GS. Dapice, dù kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam đã cải thiện trong những năm gần đây, quy mô vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1/10 so với giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Khoảng cách lớn này không phản ánh một mất cân đối đơn lẻ trong quan hệ song phương, mà là biểu hiện của thâm hụt thương mại sâu rộng hơn mà Mỹ đang phải đối mặt với toàn khu vực châu Á. Đáng chú ý, trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại di động, linh kiện điện tử, tỷ lệ giá trị nội địa tạo ra trong nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, ông Dapice cho rằng nội bộ chính quyền Mỹ hiện đang phân hóa về cách tiếp cận chính sách thương mại đối với Việt Nam.

Theo lập luận này, việc duy trì một Việt Nam trung lập, độc lập và hợp tác có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với Mỹ.
Ngược lại, một nhóm khác trong bộ máy chính trị Mỹ, bao gồm các nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn về thương mại, vẫn kiên định quan điểm phải duy trì các mức thuế cao để gây áp lực với các quốc gia có thặng dư lớn với Mỹ.
Ông Dapice cho rằng việc hoãn áp thuế đối ứng là cơ hội để các nhóm trong nội bộ chính quyền Mỹ có thêm thời gian đàm phán.
Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tổng thống Donald Trump - người được cho là có thiện cảm với Việt Nam và có thể sẵn sàng ủng hộ một đường lối mềm mỏng hơn - nhưng khả năng này vẫn còn bỏ ngỏ, trong bối cảnh chưa thể đoán định rõ hình hài của bất kỳ thỏa thuận nào.
Cơ hội của Việt Nam giữa biến động toàn cầu
Ông Dapice nhận định, Việt Nam đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc nâng cao năng lực công nghệ và thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Các tập đoàn lớn như Amazon, Microsoft và Google đã bày tỏ mong muốn xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới chỉ thu hút được khoảng 5-10% lượng vốn đầu tư vào hạ tầng dữ liệu so với Malaysia. Điều này cho thấy khoảng cách đáng kể trong cuộc cạnh tranh khu vực.
Nếu Việt Nam có thể xây dựng được khung pháp lý dữ liệu tương đồng với Malaysia và bảo đảm nguồn năng lượng ổn định, đáng tin cậy, khả năng thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư vào trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là hoàn toàn khả thi.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp trong nước tiếp cận và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản trị. Trong bối cảnh đó, quan hệ thương mại song phương không thể chỉ đánh giá qua các mức thuế nhập khẩu đơn lẻ.
Thuế suất tại Việt Nam hiện đã ở mức thấp, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao nâng cấp chất lượng hợp tác giữa hai bên. Mỹ hiện đã triển khai các chương trình đào tạo nhân lực công nghệ cho Việt Nam, và nếu dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ được mở rộng, các chương trình này hoàn toàn có thể được nâng cấp về quy mô và hiệu quả.
Ở chiều ngược lại, nội tại nền kinh tế Mỹ cũng không tạo điều kiện để tái thiết các ngành sản xuất giá rẻ trong nước. Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, chính sách nhập cư ngày càng siết chặt và nguy cơ trục xuất hàng triệu lao động lâu năm, nước Mỹ gần như không còn dư địa lao động cho các ngành như may mặc hay giày dép – ngay cả khi có sự hỗ trợ từ công nghệ tự động hóa.
Trước thực tế đó, Mỹ chỉ còn hai lựa chọn: chấp nhận giá hàng nhập khẩu tăng do thuế, hoặc đàm phán để kiểm soát mức tăng giá ở ngưỡng hợp lý.
Một mức thuế 20% đánh vào các mặt hàng lao động giá rẻ có thể làm giảm nhu cầu, nhưng khó có thể triệt tiêu hoàn toàn chuỗi cung ứng. Ví dụ, một đôi giày thể thao bán lẻ giá 100 USD chỉ mang lại khoảng 20 USD cho nhà máy tại Việt Nam.
Nếu bị đánh thuế 4 USD – tương đương 20% phần giá trị này – tác động là có, nhưng chưa đủ lớn để làm đứt gãy chuỗi sản xuất, nếu các khâu trung gian không tiếp tục đội giá thêm.
Trong bối cảnh đó, nếu Quốc hội Mỹ có thể bảo vệ quan điểm rằng cần trì hoãn hoặc điều chỉnh mức thuế để hạn chế tác động lên giá tiêu dùng, thì đây không chỉ là quyết định hợp lý về kinh tế, mà còn mang lại dư địa chính trị để xây dựng một chính sách thương mại bền vững hơn.
>> Mặt hàng tỷ đô của Việt Nam được miễn thuế đối ứng 46%, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2
Nếu Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam: Những doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Cảnh báo nợ công Mỹ vượt 200% GDP nếu duy trì chính sách thuế quan