Doanh nghiệp

Lợi nhuận năm của Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể đạt kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng

Yên Hoàng 23/10/2023 04:49

Lũy kế 6 tháng đầu năm, đường Quảng Ngãi cũng đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng 90% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, Ấn Độ đang xem xét việc cấm xuất khẩu đường niên vụ 2023/2024 để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Với vị thế là một trong những nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng đường xuất khẩu, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đường có thể gây ảnh hưởng lớn nguồn cung đường toàn cầu trong thời gian tới.

Thêm vào đó, việc giá năng lượng tăng cao trở lại trong giai đoạn vừa qua cũng đặt ra mối lo ngại về nguồn cung đường khi các nước xuất khẩu sẽ có xu hướng tăng tỷ trọng mía dành cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol thay vì sản xuất đường. Điều này có thể gián tiếp khiến nguồn cung đường bị thiếu hụt trong thời gian tới.

Nguồn cung đường toàn cầu suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao,giá đường thế giới tiếp tục neo ở mức cao khi nguồn cung bị thiếu hụt không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, từ đó khiến giá đường nội địa cũng tăng theo, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này theo đó cũng được hưởng lợi.

Lợi nhuận năm của Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể đạt kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng

CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) là doanh nghiệp duy nhất khép kín chuỗi giá trị trong ngành đường. Bên cạnh 2 mảng hoạt động chính, Đường Quảng Ngãi còn kinh doanh một số lĩnh vực khác như sản xuất bia, bánh kẹo, nước khoáng và cung cấp điện sinh khối cho dây chuyền ép mía cũng như hòa lưới điện quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của QNS tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ đóng góp lớn từ mảng đường. Cụ thể, doanh thu của QNS đạt 5.282 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ) trong khi LNST đạt 1.029 tỷ đồng (tăng 90% so với cùng kỳ) - mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập.

Trong đó mảng đường ghi nhận tăng trưởng tích cực nhất với doanh thu đạt 2.220 tỷ đồng (tăng 164%) nhờ giá đường và sản lượng tiêu thụ tăng mạnh, lần lượt tăng 20% và 120% so với cùng kỳ. Mảng sữa đậu nành lại ghi nhận đi lùi so với 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 1.978 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ) do nhu cầu tiêu thụ suy yếu khiến sản lượng giảm 12% svck.

Với kết quả này, QNS đã hoàn thành 63% kế hoạch về doanh thu và đạt 102% kế hoạch về LNST mà doanh nghiệp đã đặt ra từ đầu năm.

Lợi nhuận năm của Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể đạt kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng

Nhiều lợi thế tăng trưởng mạnh giai đoạn 2023-2024

Lợi thế thứ nhất, Đường Quảng Ngãi sở hữu dòng tiền khá khỏe với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn dương trong nhiều năm. Tính tới 30/6/2023, Đường Quảng Ngãi sở hữu 5.504 tỷ đồng bao gồm cả tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm tới 46,5% cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này. Với thế mạnh sở hữu nguồn tiền dồi dào như vậy, QNS có khả năng chủ động trong việc mở rộng khai thác vùng nguyên liệu mía và đậu nành cũng như nâng cao công suất của các nhà máy.

Lợi thế thứ 2, QNS sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ giá đường tăng phi mã. Sản lượng đường nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Theo USDA, sản lượng tiêu thụ đường ở Việt Nam khoảng 2,3 – 2,4 triệu tấn/năm. Trong khi đó, năm 2023, dự kiến tổng lượng đường nhập khẩu chính ngạch và sản xuất nội địa chỉ ở mức 1,19 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung đường hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ. Trước nguy cơ nguồn cung đường toàn cầu suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, do đó giá đường thế giới sẽ tiếp tục neo ở mức cao như hiện tại, kéo theo sự tăng giá của đường nội địa.

Lợi thế thứ 3, Đường Quảng Ngãi đang tích cực đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía với kế hoạch mở rộng vùng Đông Gia Lai nhằm nâng diện tích mía toàn vùng lên mức từ 30.000 ha – 40.000 ha trong năm nay, tăng 54% so với năm 2022. Qua đó, đảm bảo cung ứng nguyên liệu mía với công suất ép 18.000 tấn mía/ngày.

Lợi thế thứ 4, QNS tiếp tục hưởng lợi từ chính sách phòng vệ thương mại bảo hộ ngành đường. Kể từ 01/08/2022, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ 5 nước trong khối ASEAN là Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Malaysia. Theo đó, đường nhập khẩu từ 5 nước này có sử dụng nguyên liệu đường từ Thái Lan sẽ phải chịu tổng mức thuế là 47,64%. Nhờ đó, kết quả kinh doanh mảng đường của QNS trong năm 2022 đã đạt tăng trưởng tích cực. Tiếp nối đà tăng trưởng đó, QNS tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách này (do chính sách sẽ có hiệu lực tới 15/06/2026), tận dụng vị thế là doanh nghiệp sản xuất đường lớn thứ 2 toàn ngành để giành lại thị phần với đường nhập khẩu.

Dựa theo những lợi thế, các chuyên gia Chứng khoán An Bình (ABS) đã đưa ra dự phóng doanh thu và LNST năm 2023 của QNS lần lượt là 11.821 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ) và 2.067 tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ).

Lợi nhuận quý 3 của Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể tăng 47% so với cùng kỳ

Đại gia Đường 'bia' kể khó khi làm NƠXH tại Hà Nội: Một dự án có 100 ngày là phải cấp thủ tục nhưng bị kéo dài đến 5 năm

Trả trước 108 tỷ đồng mua vàng, tưởng là đại gia ai ngờ vướng vào đường dây rửa tiền

Bài thuộc chủ đề Kết quả kinh doanh quý 3/2023
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loi-nhuan-nam-cua-duong-quang-ngai-qns-co-the-dat-ky-luc-hon-2000-ty-dong-207049.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lợi nhuận năm của Đường Quảng Ngãi (QNS) có thể đạt kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH