Thế giới

Lợi suất 560%, quy mô tài sản tăng 400 lần, quỹ ngôi sao của TTCK nóng nhất thế giới bị 'sờ gáy'

Hoàng Yến 25/06/2024 19:38

Cuộc điều tra là một “đòn giáng mạnh” vào Sandeep S Tandon, người lập ra Quant Group vào năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm nhưng ở Ấn Độ có rất nhiều triệu phú mới ra đời.

Những năm gần đây, quỹ đầu tư định lượng Quant Mutual Fund đã “gây bão” trên thị trường chứng khoán Ấn Độ bằng cách sử dụng các mô hình máy tính tạo ra mức lợi suất lên tới 560% và tăng quy mô tài sản lên gần 400 lần. Tuy nhiên, đà tăng trưởng ấn tượng đang đứng trước nhiều nguy cơ khi quỹ bị cơ quan điều tra “sờ gáy”.

Theo nguồn tin thân cận, Ủy ban chứng khoán Ấn Độ (SEBI) đang xem xét lại những giao dịch được cho là chạy trước (fron-running) do các nhân viên của quỹ thực hiện. Trong chứng khoán, giao dịch chạy trước là khi nhà môi giới mua hoặc bán cổ phiếu cho tài khoản của bản thân trước khi đưa ra khuyến nghị mua hoặc bán một loại tài sản cho khách hàng, hoặc thực hiện giao dịch vì biết trước một giao dịch lớn vẫn chưa được công khai nhưng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá tài sản.

Giao dịch chạy trước bị coi là bất hợp pháp vì lợi dụng thông tin chưa được công bố tới công chúng để trục lợi.

Lợi suất 560%, quy mô tài sản tăng 400 lần, quỹ ngôi sao của TTCK nóng nhất thế giới bị 'sờ gáy'
Quant Mutual Fund đang bị Ủy ban chứng khoán Ấn Độ điều tra

Cuộc điều tra là một “đòn giáng mạnh” vào Sandeep S Tandon, người lập ra Quant Group vào năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm nhưng ở Ấn Độ có rất nhiều triệu phú mới ra đời bởi nền kinh tế Nam Á hồi phục rất nhanh chóng nhờ các gói kích thích mạnh tay của Chính phủ.

Tandon nhận định thị trường lập đáy vào tháng 3/2009 và bắt đầu sử dụng các mô hình giao dịch định lượng để đánh bại thị trường. Giao dịch định lượng cùng với nghiên cứu cơ bản đã trở thành bí quyết giúp ông thành công và thu hút được các khách hàng giàu có.

Quant Mutual Fund cùng dự báo đúng về đà tăng giá của các cổ phiếu giá trị vốn hóa nhỏ trong năm 2021 hay sóng tăng giá của các cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp quốc doanh trong năm 2023. Quỹ bắt đầu mua vào các cổ phiếu small-cap từ đầu năm 2020 và ghi nhận mức tăng trưởng 88%, cao hơn mức tăng 63% của chỉ số chuẩn.

Ăn tiền từ sự khác biệt

Cách tiếp cận của Quant Mutual Fund là điểm đột phá so với chiến lược mua và nắm giữ dài hạn mà nhiều quỹ khác ở Ấn Độ áp dụng. Các nhà đầu tư chứng khoán ở nước này thường thần tượng những thiên tài đầu tư như Warren Buffett. Trong một cuộc phỏng vấn, Tandon từng chia sẻ: “Mua, nắm giữ, thậm chí quên hẳn cổ phiếu đi không phải là mô hình mà chúng tôi áp dụng. Chúng tôi liên tục tái cân bằng và tái cơ cấu danh mục, nương theo các rủi ro trên thị trường”.

Năm 2018, Tandon mua lại quỹ quản lý tài sản Escort. Hiện Quant Small Cap là quỹ lớn nhất của Quant Group với danh mục tài sản trị giá hơn 2,4 tỷ USD và đã ghi nhận mức lợi suất hàng năm trên 43% suốt từ 2019 đến nay. Ông đã tận dụng tốt những cơ hội mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới mang lại.

Mới đây, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã vượt Trung Quốc về hiệu suất đầu tư và cũng đã trở thành thị trường lớn thứ tư thế giới. GDP tăng mạnh mẽ, các yếu tố địa chính trị và nhân khẩu học thuận lợi là những yếu tố giúp thị trường này bùng nổ. Từ cuối năm 2019 đến nay, chỉ số MSCI Ấn Độ đã tăng 110%, vượt xa mức tăng 99% của Nasdaq 100 hay đặc biệt là mức giảm 30% của MSCI Trung Quốc.

Lợi suất 560%, quy mô tài sản tăng 400 lần, quỹ ngôi sao của TTCK nóng nhất thế giới bị 'sờ gáy'
Tài sản của Quant Mutual Fund tăng vọt trong những năm gần đây

Cuộc điều tra của SEBI có lẽ sẽ buộc Tandon phải cải tổ hệ thống quản trị rủi ro và tuyển dụng thêm những nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm và giỏi chuyên môn hơn.

Và chắc chắn là ông không muốn quỹ của mình bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cuộc điều tra dự kiến sẽ kéo dài hàng tháng như các đối thủ. Năm ngoái, Axis Mutual Fund đã phải nộp phạt 300 triệu rupee và 21 môi giới bị cấm giao dịch vì gian lận. Sau vụ đó đà tăng trưởng của Axis đã chậm lại đáng kể: tốc độ tăng trưởng tài sản dưới quyền quản lý (AUM) chỉ đạt 5,6% từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2024, trong khi toàn ngành có tốc độ lên tới hơn 30%.

HDFC Asset Management cũng bị điều tra và chịu chung số phận như vậy. Hai trường hợp này cũng là nguyên nhân gây ra làn sóng nhà đầu tư ồ ạt rút tiền ra khỏi các quỹ.

>> "Lùa gà", một Youtuber bị cấm giao dịch chứng khoán, xử phạt hơn 50 tỷ đồng

6 tài sản hứa hẹn sẽ ‘cực sinh lời’ trong thời gian tới

Chuyên gia: ‘Tesla là bong bóng chứng khoán lớn nhất trong lịch sử thế giới’, cổ phiếu có thể sụt giảm 92%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loi-suat-560-quy-mo-tai-san-tang-400-lan-quy-ngoi-sao-cua-ttck-nong-nhat-the-gioi-bi-so-gay-239981.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Lợi suất 560%, quy mô tài sản tăng 400 lần, quỹ ngôi sao của TTCK nóng nhất thế giới bị 'sờ gáy'
POWERED BY ONECMS & INTECH